Hủ tiếu hồ là món ăn có nguồn gốc từ Triều Châu. Theo chị Vân, chủ quán hủ tiếu hồ gần 20 năm tại một ngã tư ở quận 6, món này có nghĩa là hủ tiếu nấu với lòng heo.
"Ngày nay, theo nhu cầu của thực khách gia đình tôi đã thay đổi công thức. Nước lèo không còn sền sệt như trước, đồ lòng làm kỹ hơn", chị Vân cho biết.
Xe hủ tiếu của chị Vân nằm ở ngã tư đường Gò Công - Gia Phú, quận 6. Video: Di Vỹ.
Giải thích thêm về món ăn lạ này, chị Vân cho biết, tên gọi của hủ tiếu hồ xuất phát từ cách nấu ngày xưa của người Tiều khi cho bột năng vào nước lèo để có độ sệt như hồ. Món ăn ngày nay không hoàn toàn giống với bản gốc, cách nêm nếm gia vị đã đổi theo khẩu vị của khách ở Sài Gòn nhưng vẫn thu hút đông người ăn.
Theo chủ quán, có nhiều người đến đây ăn từ chục năm trước đến bây giờ vẫn còn ghé, thậm chí dắt theo vợ con. “Điều này khiến tôi có nhiều động lực hơn để giữ gìn hương vị gia truyền”, chị Vân tâm sự.
Chủ quán cho biết, để có được sợi hủ tiếu kích thước và chất lượng ngon, chị phải đặt làm. Hủ tiếu hồ ăn cùng với lòng heo, lỗ tai, lưỡi heo… và không thể thiếu cải chua xào, thứ rau ăn kèm hoàn toàn khác biệt.
Các món lòng được ướp sơ trước khi chiên cùng nước dừa và ngũ vị hương. Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy màu sắc giống món bò phá lấu. Để đảm bảo độ giòn, cải chua sẽ được ướp trước khi xào, gia vị thêm thắt cho thơm mùi thuốc bắc.
“Đối với nhiều người, mùi hoa hồi và thuốc bắc hơi nồng khiến món ăn trở nên khó nuốt”, chị Vân giải thích. Dù vậy, đây không phải vấn đề với tín đồ của các món Hoa.
Nước lèo được hầm với xương ống cho nước trong, ngọt và thanh. Để nước lèo đậm vị, chị Vân thường bắc bếp từ sáng, hầm xương đến lúc bán cho khách, độ 5 tiếng.
Quán mở từ khoảng 12h đến chiều tối, phục vụ trà đá miễn phí. Do nằm sát đường, quán không chỗ để xe. Khách đến ăn phải dựng xe sát bên lề, vừa ăn vừa canh chừng.