Chàng trai đó xuất thân từ một gia đình làm nông ở tỉnh lẻ, lên thành phố học tập và làm việc. Hiện công việc của cậu ổn định, có thể lo cho cuộc sống của vợ con sau này không phải vất vả. Yêu nhau đến tháng thứ 3 thì cậu mới biết nhà bạn gái khá giàu có, bề thế, nhưng cô chưa bao giờ chảnh chọe, kiêu ngạo. Cô muốn cả hai về ra mắt gia đình hai bên. Lúc này chàng trai rất rối, không biết nên mặc kệ điều tiếng xã hội bước tiếp hay buông tay để cô gái tìm được người "môn đăng hộ đối".
Chia sẻ của chàng trai nhận được rất nhiều bình luận, trong đó phần lớn ý kiến của độc giả cho rằng khi tình yêu đủ lớn, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Chuyện yêu đương không nên gắn liền với tiền bạc, vật chất. Hai người trong cuộc phải thấu hiểu và vun vén thì mới lâu dài, chứ không hẳn môn đăng hộ đối là đã an toàn.
Độc giả Nguyen Phat Huy thắng thắn: "Đến giờ vẫn còn quan niệm này hả? Câu này dùng vào năm 1990 thì còn được". Tương tự, bạn Vu Minh cũng cho rằng: "Mình ghét nhất mấy người hở cái là nói câu: 'Gió tầng nào sẽ gặp mây tầng đó'. Nghe có vẻ văn vở, nhưng sáo rỗng hết sức...". Thậm chí độc giả minhnc1964 có hai con (một trai một gái) đang du học, có nhà và vài mảnh đất ở Hà Nội còn quán triệt các con nên tìm bạn đời ở tỉnh lẻ lên thủ đô học và làm việc, càng nghèo càng tốt. Khái niệm môn đăng hộ đối là phiến diện khi chỉ nghĩ về mặt tài sản, phải nghĩ về mặt bản lĩnh, nghị lực và lòng nhân ái.
Nhiều độc giả nhận xét chàng trai thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh, ích kỷ. Họ cho rằng cậu "chưa ra trận đã rút lui", còn chưa tiếp xúc với người thân của cô gái đã sợ hãi. Bố mẹ cậu là nông dân không có gì đáng xấu hổ hay tự ti, họ vẫn nuôi cậu trưởng thành và cho ăn học đàng hoàng. Hiện tại cậu kiếm được đồng tiền chân chính, có thể lo cho vợ con không phải vất vả. Vì vậy chẳng có lý do gì mà không tiếp tục tự tin bước về phía trước. Ngoài ra, bạn gái yêu cậu thật lòng, không để ý tới gia cảnh hai bên, vậy mà cậu lại lấy lý do "sợ bạn gái thiệt thòi" làm cớ rút lui, như vậy là ích kỷ.
Bình luận của bạn Daisy nhận được nhiều đồng tình của độc giả nhất (1.140 likes): "Một người con gái rất hiểu chuyện, yêu thương bạn và tôn trọng bạn như vậy, bạn nên trân trọng và yêu thương cô ấy gấp bội để xứng đáng với tình yêu mà cô ấy dành cho bạn. Bạn đừng tự ti, bố mẹ mình làm nông dân thì đã sao nào? Phải tự hào chứ nhỉ? Bạn cứ là người đàn ông chân chính để sánh bước cùng cô ấy nhé! Cô ấy không ngại thì hà cớ gì bạn ngại? Chúc hai bạn hạnh phúc nhé".
Ngược lại, có một số độc giả cho rằng "mây tầng nào gặp mây tầng đó" vẫn tốt hơn và kể lại tình huống tương tự mà chính họ đã gặp phải. Chẳng hạn, bạn Hưng Hoàng Bảo chia sẻ: "Tôi nói thật, ai cũng khuyên tự tin, nhưng ở trong hoàn cảnh mới biết được nhiều cái đau lắm. Một ví dụ nhỏ là đến nhà bạn gái, anh chị em, họ hàng, ai cũng đi ô tô, mình lại phi xe máy đến. Rồi đi ăn nhà hàng cùng gia đình bạn gái, họ ăn một bữa chục triệu quen rồi, mình ngồi đấy sao đây. Cứ bảo ý chí phấn đấu, đợi đến lúc đấy mới nói tiếp được, còn nhiều cái khác nữa, phải ở trong hoàn cảnh mới biết được. Tùy tác giả thôi nhé. Tôi từng ở trong hoàn cảnh đó và phải buông. Giờ tôi có chút thành công, nghĩ lại giai đoạn đó cũng hối tiếc, nhưng lúc đấy cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài buông".
Bạn Bảo Ngân cũng bộc bạch: "Tôi thuộc típ người hiện đại và không coi trọng lối sống của người khác. Tôi gần như đã phải trả giá cả cuộc đời khi yêu và lấy phải một người không phù hợp về văn hóa. Tôi là cô gái thành thị lấy chồng là người xuất phát từ nông thôn nhưng bù lại anh học hành giỏi giang. Bất chấp lấy xong, tưởng mọi thứ sẽ dung hòa nhưng không phải vậy, văn hoá khác nhau, thói quen khác nhau. Anh dù có học nhưng chắc không được nền tảng giáo dục tốt nên cục súc, chửi bới vợ con. Tôi cũng có con gái nên sau này sẽ ủng hộ con chọn người cùng địa phương hoặc có nền tảng giáo dục tốt mới hòa hợp được".
Độc giả anpham 198x còn khuyên chàng trai đừng tiến xa, hãy thực tế nếu không sẽ hối hận: "Bạn nên kiếm một người phù hợp với mình về hoàn cảnh và xuất thân. Xã hội từ cổ chí kim, các kiệt tác văn học luôn nói đến môn đăng hộ đối là vậy".
Bên cạnh hai luồng ý kiến trên, có một số bình luận mang tính vui vui như: "Sương gió phủ đời trai, tương lai nhờ nhà ngoại, mạnh mẽ lên ông ơi"; Hoặc "Thời đến rồi đỡ không kịp, chấp nhận thôi"; Hay "Bố bạn nghèo không phải lỗi của bạn, nhưng... bố vợ bạn nghèo là lỗi của bạn".
Tâm sự hy vọng dù đưa ra quyết định thế nào, những người trong cuộc sẽ kiên định và không hối hận.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.