Chè kho chẳng phải là món ăn cao sang nhưng không phải thời gian nào cũng dễ bắt gặp. Món quà giản dị này chỉ xuất hiện trong mỗi gia đình vào dịp năm hết Tết đến.
Ngày trước, thời kinh tế khó khăn, đường kính đắt và chưa có nhiều nên món chè kho nhà nào cũng thường được nấu bằng mật. Thế nên đĩa nào đĩa nấy đều nhuộm một màu nâu vàng giản dị. Sau này khi cuộc sống trở nên khá giả hơn, đường kính trắng đã có thể dễ dàng tìm mua, món chè kho cũng vì thế mà thay đổi một chút hương vị.
Chè kho chỉ gồm đậu xanh và mật (hay đường) nhưng để có được một đĩa chè thơm ngon thì khâu chuẩn bị và nấu nướng không hề đơn giản. Đậu xanh phải chọn loại hạt mẩy, lòng vàng. Sau khi mua về phải nhặt hết hạn sâu, hạt lép hay hạt nhọn đít, là những hạt dù nấu kỹ tới đâu cũng không thể chín. Những hạt đậu thơm ngon nhất sẽ được ngâm trong nước khoảng 12 tiếng sau đó đãi sạch vỏ rồi đem ra phơi thật khô. Chính vì việc chuẩn bị khá lâu nên thường các bà, các mẹ chuẩn bị làm từ trước Tết để có thể đón những cơn nắng hiếm hoi của mùa xuân. Đậu xanh sau khi phơi khô sẽ được xay thành bột mịn rồi mới gói kín, cất lên nóc tủ trong nhà.
Sát ngày Tết, người ta lấy thứ bột mịn đổ từ từ vào nồi nước đã đun cùng mật. Công đoạn khó nhất của nồi chè kho là phải đảo đều để không bị khê. Không những thế nếu không cẩn thận thì bột đậu xanh có thể bị vón cục. Món chè kho vì thế cũng khó mà ngon được.
Khi nồi chè trên bếp vừa chín thì cho thêm chút nước hoa bưởi để món chè kho được dậy mùi rồi mới múc ra từng đĩa nhỏ. Những hạt vừng trắng sẽ được rắc lên trên để đĩa chè thêm phần đẹp mắt.
Ngày Tết, đãi khách đến chơi bằng món chè kho thơm ngọt được sắt thành hình rẻ quạt, uống cùng chén chè sen thơi lừng thì còn gì tuyệt bằng.
Đỗ Huyền