Không khó để bạn có thể thưởng thức những món ăn đồng nội như dế chiên bột, thịt dông nướng, nhái chiên giòn, nhộng ong rừng xào... trong các quán ăn ở Sài Gòn. Những món ăn điền dã đó không chỉ khơi gợi lại cảnh đồng quê, mà hương vị đặc trưng cùng biến tấu của nó làm hài lòng khẩu vị của từng thực khách.
1. Nhái chiên rơm
Con nhái chỉ to bằng ngón tay người lớn, sau những cơn mưa giông đầu mùa, người dân ở làng quê lại rủ nhau ra đồng bắt nhái. Lặn lội qua từng con lạch, cánh đồng... thành quả là một túi to đầy nhái, lúc này mới bắt đầu lựa nhái ra, con nhỏ thì dùng để làm thức ăn cho gà, vịt... những con lớn bằng ngón tay được giữ lại để chế biến món ăn hoặc bán cho các nhà hàng, quán ăn.
Nhái có thể làm thành nhiều món như chiên bột, chiên giòn, bằm ăn kèm bánh đa... với những hương vị thơm ngon lạ miệng. Món nhái chiên rơm không chỉ vì ngon miệng mà con thoang thoảng mùi thơm của sả trong món ăn. Nhái đượccắt bỏ đầu, lột nhẹ lớp da, bỏ ruột, chỉ giữ lại phần thịt, rửa thật sạch và để ráo. Ướp nhái, sả với các gia vị như hành, tỏi, muối, ớt, đường... để ngấm và đem chiên. Nhái chiên chín được dọn ra đĩa ăn kèm với tương ớt hoặc chén muối ớt chanh cho món ăn thêm đậm đà.
2. Dế cơm lăn bột chiên giòn
Mỗi năm đến mùa hè, khi những cánh đồng còn trơ gốc rạ, đó là lúc bọn trẻ con ở quê lại rủ nhau ra đồng bắt dế cơm. Theo kinh nghiệm thì nên đi bắt dế cơm vào lúc sáng sớm, khi các cánh đồng còn mờ sương. Lần theo các vết bùn trên mặt đất hoặc các hang có đất đùn lên, đó đích thị là hang dế cơm, đào sâu xuống khoảng 30cm là bắt được, với những hang sâu quá, chỉ cần lấy nước đổ đầy hang, tự động dế sẽ chui lên.
Dế cơm là giống dế to gấp đôi dế ta, có màu vàng nhạt, béo ú nên được ưa thích. Dế bắt về, bỏ phần gai chân, giữ lại phần đùi béo tròn, nếu có cánh thì cắt bỏ đi. Ngắt nhẹ phần đuôi, nặn hết ruột ra, rửa lại vài lần với nước sạch và để ráo. Sau đó nhét lạc (đậu phộng) rang vào bụng dế, lăn dế qua bột và chiên giòn vàng trên chảo dầu. Món ăn được dọn ra đĩa, ăn kèm với rau thơm, dưa leo, cà chua cùng chén nước mắm ớt tỏi đậm đà, hoặc chén tương ớt đều ngon miệng.
3. Thịt dông nướng
Nếu như dế cơm có nhiều ở các tỉnh miền Tây thì con dông lại là đặc sản của miền Trung nắng gió. Nếu có dịp về miền Trung vào thời gian này, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đầu trần, đi chân không đang dùng cuốc, xẻng bắt dông trên các cánh đồng. Kết thúc "buổi làm việc" là một xâu nặng trĩu các con dông còn sống.
Do thịt dông tanh, không được rửa bằng nước nên khi làm thịt, người dân thường lót lá chuối bên dưới để giữ thịt luôn được sạch. Cắt bỏ đầu và lột sạch da, bỏ ruột, cắt bỏ phần đuôi nhỏ và bốn bàn chân. Dùng khăn sạch lau khô từng con dông, ướp dông với muối ớt và nướng chín trên bếp than hồng. Món ăn tỏa hương thơm ngào ngạt cùng tiếng lèo xèo của mỡ thật hấp dẫn. Đây là món lai rai rất thú vị sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Ngày nay, dông không chỉ là món ăn chơi, mà việc bắt dông bán cho các nhà hàng đem lại cho người nông dân một khoản thu nhập không hề nhỏ.
Ngoài ba món ăn kể trên, còn có rất nhiều món ăn đậm hương đồng nội khác như bò cạp núi chiên giòn, nhộng ong rừng xào, cua đồng rang muối.... đều là những đặc sản có mặt trong các nhà hàng ở Sài Gòn.
Khánh Hòa