Theo Đông y, viêm gan siêu vi B được coi là một bệnh của gan với các trạng chứng vàng da, vàng mắt, đau vùng hạ sườn... Người bị viêm gan cần ăn uống đầy đủ, không nên quá kiêng cữ để duy trì tình trạng sức khỏe, giúp phục hồi tốt chức năng gan.
Dưới đây là một số món ăn có ích cho người bị viêm gan siêu vi B.
Cháo rau má
Rau má tươi 100g, đậu xanh 50g, gạo tẻ 50g. Rau má rửa sạch cắt nhỏ, gạo, đậu xanh vo sạch cho vào nồi với lượng nước vừa đủ để nấu thành cháo nhừ. Cho tiếp rau má vào, nấu sôi lại vài phút. Ăn nóng lúc đói bụng với ít muối hoặc đường.
Món này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thích hợp với người bị viêm gan B cấp tính.
Canh trứng gà nấu câu kỷ, táo đỏ
Câu kỷ tử 30g, táo đỏ 20g, trứng gà 2 quả, nước 300ml. Nấu đến khi trứng chín. Vớt trứng ra, bỏ vỏ rồi cho vào chung với đường đỏ, nấu đến khi đường tan. Chia 1-2 lần, ăn trứng uống canh. Cách 2 ngày ăn một lần..
Món canh này có tác dụng bổ tỳ vị, bổ thận, trừ thấp, thích hợp dùng cho người bị bệnh viêm gan mạn tính.
Canh táo đỏ nấu đậu phộng
Táo đỏ, đậu phộng, đường phèn mỗi thứ 30g. Cho đậu phụng vào nồi đất trước, thêm nước, dùng lửa vừa ninh 20 phút. Táo đỏ bỏ hột, cho vào nồi đất ninh chung với đậu phụng, ninh thêm 20 phút, thêm vào đường phèn vào, ninh tiếp 5 phút là ăn được. Dùng mỗi tối trước khi ngủ, liên tục 30 ngày.
Món ăn này có tác dụng thông tỳ ích khí, khử thấp giải độc, dùng cho viêm gan cấp và mạn tính, xơ cứng gan.
Canh ba ba với khoai mài (hoài sơn), nhãn nhục
Hoài sơn 20g, nhãn nhục 20g, ba ba 1 con.
Dùng nước luộc ba ba rồi mới làm sạch, bỏ bộ lòng, rửa sạch. Cho ba ba (còn mai) cùng với hoài sơn, nhãn nhục vào nồi đất, thêm nước, ninh bằng lửa vừa, đến khi ba ba chín mềm, nêm nếm gia vị vừa ăn là được.
Tác dụng giúp ích khí dưỡng huyết, tiêu ung tán kết, dùng cho trường hợp gan bị xơ cứng, viêm gan mạn tính.
Canh thịt heo nạc nấu nấm rơm
Nấm rơm tươi 200g, thịt heo nạc 200g.
Nấm rơm tươi rửa sạch, cắt miếng, bỏ chung vào nồi đất, thêm nước, dùng lửa vừa ninh đến khi thịt nạc chín mềm, thêm gia vị vừa miệng. Dùng ăn trong bữa cơm.
Món này có ác dụng giúp tư âm nhuận táo, kiện vị bổ tỳ, dùng cho chứng viêm gan mạn tính.
Cháo gạo lứt, hải sâm
Gạo lứt 80g, hải sâm 40g, cải cúc (hoặc cải bẹ xanh) 40g, táo đỏ 8 trái.
Gạo lứt vo sạch, hải sâm ngâm mềm, cải cúc rửa sạch, cắt nhỏ, táo đỏ rửa sạch, bỏ hột. Nấu gạo thành cháo nhừ, cho các nguyên liệu vào nấu thêm với lửa nhỏ vài phút. Ăn nóng lúc đói bụng.
Món cháo này thích hợp với người bị viêm gan B mạn tính, cơ thể suy nhược, ăn ngủ kém.
Canh đậu nành nấu cải trắng khô
Đậu nành 60g, cải trắng khô 45g, nhân trần 30g, uất kim (dái nhỏ của củ nghệ vàng) 9g, chi tử (quả dành dành) 6g,.
Đậu nành ngâm mềm và cải trắng khô nấu canh để ăn. Ngoài ra, nấu nhân trần và các loại dược liệu nói trên với 500ml nước, sắc còn 300ml, dùng để uống riêng vào buổi sáng và tối.
Tác dụng giúp thanh nhiệt khử thấp, thoái hoàng, thích hợp cho loại viêm gan lây nhiễm do virus.
Cháo nhân trần
Nhân trần cao 50g, gạo tẻ 100g, đường trắng vừa đủ.
Dùng 600ml nước để sắc nhân trần trong 30 phút. Sắc 2 lần, hợp 2 lần nước lại, bỏ bã lấy nước đổ vào trong nồi, cho gạo tẻ vào, dùng lửa nhỏ hầm thành cháo, thêm đường trắng, trộn đều để ăn.
Món cháo này giúp thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, thoái hoàng, thích hợp dùng cho người bị viêm gan vàng da lây nhiễm cấp tính, tiểu tiện khó, bí tiểu.
Canh nhân trần nấu táo, can khương
Nhân trần 30g, can khương (gừng khô) 10g, táo đỏ 5 quả, đường đỏ vừa đủ.
Nhân trần, can khương, táo đỏ (bỏ hạt) sắc với 600ml nước, khoảng 30 phút. Sắc 2 lần, hợp 2 lần thuốc lại, bỏ bã, để lại nước và táo đỏ trong nồi. Thêm vào đường đỏ, tiếp tục sắc đến khi đường tan, chia 2 lần uống canh, ăn táo.
Tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, thoái hoàng, thích hợp dùng cho viêm gan mạn tính, tỳ hư thấp thịnh, miệng nhạt, ăn uống kém.
Canh rau cần tây, thịt heo
Rau cần tây 100g, nấm đông cô (nấm hương) 20g, thịt heo nạc 100g, gừng, tỏi, gia vị các loại.
Rau cần tây (cả lá và thân) rửa sạch cắt ngắn. Nấm đông cô ngâm nước nóng có chút gừng, ngâm khoảng 15 – 20 phút rửa sạch, cắt nhỏ. Thịt heo nạc rửa sạch cắt nhỏ, tỏi giã dập. Đun sôi thịt heo với 500ml nước, khi thịt chín thì cho cần tây + nấm đông cô + tỏi vào quậy đều, đến khi canh sôi chín là được. Nêm gia vị vừa ăn, dùng nóng trong bữa cơm.
Món canh này giúp thanh nhiệt lợi thấp, giải độc tiêu thũng, dùng cho viêm gan cấp và mạn tính. Những người ăn chay có thể thay thịt heo bằng đậu hũ miếng (hoặc bột đậu xanh), thay tỏi ta bằng tỏi tây (boireau).
Lưu ý, những người bị huyết áp thấp không nên dùng cần tây. Món canh này giúp thanh nhiệt lợi thấp, giải độc tiêu thũng, dùng cho viêm gan cấp và mạn tính.
Cháo đậu xanh, lá sen
Đậu xanh 30 g, lá sen tươi 1/4 lá, gạo tẻ 100 g.
Đậu xanh cả vỏ, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cho vào nồi nấu trước. Khi chín, tiếp tục cho gạo tẻ đã vo sạch và lá sen tươi vào nấu nhừ thành cháo loãng. Chia ăn mỗi ngày 2 lần, vào lúc đói bụng.
Cháo đậu xanh rong biển
Đậu xanh 50g, rong biển 50g, gạo tẻ 50g, gia vị các loại.
Rong biển rửa sạch, ngâm cho nở ra, cắt nhỏ; đậu xanh ngâm trong nước ấm; gạo vo sạch, để ráo. Cho lần lượt gạo vào nồi trước, nấu sôi thì cho đậu xanh vào, khi đậu xanh nở hết thì cho rong biển vào, nấu thành cháo. Nêm nếm gia vị vừa dùng. Món cháo này có công dụng thanh nhiệt, giải độc, dùng thích hợp trong lúc thời tiết nắng nóng.
Cháo đậu xanh là món ăn giúp thúc đẩy sự trao đổi chất trong cơ thể diễn ra bình thường và là thực phẩm giúp bài tiết chất độc trong cơ thể hiệu quả nhất.
Theo Đông y, đậu xanh có vị ngọt, hơi tanh, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền nhiệt, ích khí lực, điều hòa ngũ tạng, giảm đau sưng. Thường dùng trong các trường hợp: cảm sốt vào mùa hè, trúng nắng, tiêu khát (khát nước uống nhiều), đái tháo đường, đi tiểu khó, đau bụng do nhiệt, bụng nóng cồn cào, buồn phiền khó chịu, nhức đầu, nôn mửa, phụ nữ có thai bị nôn ọe, không yên.
Ngoài ra, đậu xanh rất có ích cho người hay bị các loại bệnh nhiệt ngoài da như: mụn nhọt, ghẻ lở, nổi mề đay; người bị cao huyết áp, cholesterol máu cao, viêm gan mãn tính, say rượu; trẻ em bị bệnh quai bị, sởi...
Nước nấu đậu xanh, cam thảo (đậu xanh 120g, cam thảo sống 60g), có tác dụng giải độc khi uống thuốc quá liều (ô đầu, phụ tử...), giải độc do ngộ độc thức ăn, ngộ độc sắn, ngộ độc nấm.
Cháo cà rốt
Cà rốt 100g, gạo tẻ 100g.
Cà rốt gọt vỏ rửa sạch, cắt miếng nhỏ; gạo vo sạch. Cho 2 thứ vào nồi nấu với 1 lít nước, ninh thành cháo nhừ.
Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.
Cháo thịt bò, cà rốt
Thịt thăn bò 100g, gạo tẻ 50g, cà rốt 1 củ lớn, hành, gia vị đủ dùng.
Cà rốt cạo vỏ, rửa sạch, xắt hạt lựu. Gạo tẻ vo sạch nấu nhừ thành cháo. Thịt bò rửa sạch, luộc chín, xắt lát mỏng. Phi thơm hành rồi cho cà rốt vào đảo qua, sau đó cho thị bò vào nêm gia vị bắc xuống. Cho tất cả các thứ trên vào nồi cháo đã ninh nhừ và nấu sôi lên là dùng được.
Mỗi ngày ăn 2 lần vào buổi sáng và tối.
Món cháo này có tác dụng bổ tỳ, ích khí huyết, giải độc, chống mỏi mệt, có ích cho người viêm gan, khí huyết suy kém.
Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM