Theo đề xuất, mỗi xe máy phải đóng 500 nghìn đồng tiền phí lưu hành mỗi năm, đối với ôtô dưới 7 chỗ mức này là 10 triệu đồng.
Cán bộ phường, xã có trách nhiệm thu phí lưu hành này và biên lai nộp phí được quy định như một loại giấy tờ bắt buộc kèm với giấy đăng ký xe khi thực hiện kiểm tra giấy tờ xe.
Các trường hợp không nộp phí sẽ bị xử phạt, với mức phạt là 250 nghìn đồng mỗi lần đối với xe máy và 5 triệu đồng một lần đối với ôtô.
Đây được xem như biện pháp mạnh tay mà TP HCM đưa ra nhằm hạn chế số lượng xe cá nhân đang ngày một phát triển với tốc độ chóng mặt.
Cùng với giải pháp xe cá nhân phải đóng phí lưu hành, thành phố cũng kiến nghị tăng lệ phí đăng ký xe mới (phí trước bạ) cao gấp đôi so với mức hiện hành.
TP HCM gần như bị quá tải với phương tiện cá nhân. Ảnh: Kiên Cường |
Cụ thể, xe máy từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng đối với xe trị giá dưới 15 triệu; những loại xe từ 15 đến 40 triệu là 2 triệu đồng, trước đây chỉ 1 triệu đồng; còn với những loại xe cao cấp trên 40 triệu mức thu này tăng gấp đôi từ 2 triệu lên 4 triệu đồng.
Ôtô dưới 7 chỗ, không kinh doanh vận tải hành khách, để chính thức được đăng ký và cấp biển số, người mua phải đóng tới 50 triệu đồng thay vì 2 triệu đồng như trước.
Thành phố cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh nâng mức thu phí đậu ôtô từ 20.000 đến 30.000 đồng một xe mỗi lượt dừng hoặc 500.000 đồng mỗi xe một tháng.
Hiện nay, TP HCM đang thực hiện thí điểm tổ chức thu phí trên một số tuyến đường thuộc địa bàn quận 1 và quận 5 với mức 5.000 đồng một ôtô mỗi lượt hoặc 100.000 đồng một xe một tháng. Tuy nhiên, mức thu này quá thấp và thành phố đang gần như bị nêm chặt bởi các loại phương tiện.
Mức xử phạt giao thông cũng sẽ được điều chỉnh: ôtô quay xe không đúng quy định; dừng, đỗ xe gây ùn tắc giao thông; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đi vào đường cấm... tăng mức phạt từ 100.000 đồng lên 5 triệu đồng.
Xe máy không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, dàn hàng ngang sẽ bị tăng mức phạt từ 80.000 đồng lên 1 triệu đồng. Các hành vi chiếm dụng hè phố, lòng đường gây cản trở giao thông, tăng mức phạt từ 50.000 đồng lên 500.000 đồng…
Giải thích việc đồng loạt tăng các khoản phí nói trên, theo TP HCM, các mức thu hiện tại dù đã được nâng lên nhiều lần, nhưng trên thực tế chưa đủ để tác động mạnh đến việc hạn chế tốc độ gia tăng về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nên việc tăng là cần thiết.
Hiện thành phố có khoảng 3,56 triệu xe gắn máy và 360 nghìn ôtô, cộng thêm khoảng 700 nghìn xe gắn máy và 60 nghìn ôtô từ các tỉnh khác lưu thông ở thành phố. Bình quân mỗi ngày thành phố có khoảng 1.100 môtô, xe gắn máy và 120 xe ôtô được đăng ký mới.
Trong khi đó, diện tích mặt đường giao thông của thành phố chỉ đáp ứng được 2,5 triệu xe các loại và hàng năm chỉ xây dựng mới, bổ sung thêm khoảng 1% diện tích mặt đường (nhưng số lượng phương tiện tăng 15% một năm).
Ngoài ra, còn có nguyên nhân làm giao thông thành phố gần như mất kiểm soát xuất phát từ một bộ phận người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông, vi phạm luật giao thông như lấn trái đường, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, quay đầu xe không đúng quy định…
Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường đang bị thu hẹp phạm vi cho giao thông do phải rào chắn để thi công các công trình; vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh buôn bán, dịch vụ, dừng xe đưa đón học sinh vào giờ tan trường…
Vì vậy, tình trạng xảy ra ùn tắc giao thông xảy ra gần như hằng ngày dù thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp cấp bách nhưng về lâu dài, theo quan điểm thành phố để giao thông luôn trong tình trạng "ổn định" thì cần phải có biện pháp kiềm chế lượng xe cá nhân.
Việc điều chỉnh tăng các mức thu như trên sẽ bổ sung nguồn thu cho ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đồng thời góp phần hạn chế việc gia tăng số lượng phương tiện cơ giới đường bộ và kéo giảm ùn tắc giao thông.
Hải Yến