- Trưởng phòng khiến tôi bị chị em đồng nghiệp xa lánh
Những chuyện tôi tâm sự ở bài trước đã diễn ra tầm một năm. Có nhiều ý kiến nói rất đúng về tôi, tôi hướng nội, sợ va chạm, sợ nêu ý kiến, điều này hình thành từ tuổi thơ ấu. Tôi đã đọc nhiều bài phân tích về kiểu tính cách này, muốn sửa từ lâu nhưng không làm được. Thường khi có vấn đề, tôi không thể giải quyết ngay mà hay im lặng chịu đựng. Tôi chưa biết cách xử lý tình huống cho tốt nên bị bắt nạt nhiều, chẳng hạn như những lời nói sai từ phía mẹ chồng cũ (cũng là do tôi thường cố chịu đựng, đến lúc không chịu nổi thì ly hôn) hoặc nhiều môi trường khác. Tôi không biết cách nói lên suy nghĩ, bảo vệ quan điểm, quyền lợi, thậm chí hơi nhu nhược.
Ban đầu cứ nghĩ thôi thế cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều, thêm bớt này kia không khác biệt quá nhiều, sau này sự việc càng bị lấn tới, đến mức không chịu được thì phản kháng lại quá mạnh và dẫn đến hậu quả không như mong muốn. Bạn bè cũng cho tôi lời khuyên, nói rằng tôi không nên đưa người khác vào câu chuyện như vậy, tôi xin tiếp thu. Sau khi sự việc xôn xao, mọi người bóng gió, tôi cứ im lặng tiếp tục sống và làm việc, không muốn và không thích thanh minh, tâm niệm người hiểu mình thì không cần mình giải thích, người không muốn hiểu có giải thích cũng vô ích.
Sau 3 tuần, dường như có sự đảo chiều, không rõ những bạn đồng nghiệp có tìm hiểu thông tin nghe được trước đó từ chị trưởng nhóm, tự tìm hiểu kỹ hơn được thông tin từ nguồn nào khác không, nhưng người nói tôi gay gắt nhất đã thay đổi thái độ. Họ không nói ra nhưng hành động cho thấy đã thân thiện hơn như khi ăn thì gắp đồ ăn cho tôi... Sau đó thêm một tuần nữa, chị trưởng nhóm mời tất cả chị em tới nhà vui chơi ngày cuối tuần (trừ tôi). Trước đó làm với nhau bao nhiêu năm, chị chưa bao giờ mời các chị em đến nhà vui chơi kiểu như vậy, sau đó thì không khí cũng gượng gạo tầm nửa năm. Thái độ của chị trưởng nhóm dường như muốn đánh bật tôi, khiến tôi không chịu nổi mà phải xin chuyển phòng, nghỉ việc.
Tính tôi cũng cứng đầu, khá ương bướng, không thích người làm chuyện xấu với mình đạt được mục đích nên tôi không xin chuyển đi phòng ban khác. Thực tế trước đó mấy năm, phó phòng khác nhiều lần bảo tôi chuyển về phòng đó làm việc nhưng tôi không chuyển, tôi yêu thích môi trường văn hóa đoàn kết, vui vẻ ở phòng hiện tại. Cũng xin giải đáp ý kiến của một số các bạn, đúng là trong 4-5 nhóm có 2-3 nhóm tôi chỉ giúp việc không quan trọng như dịch tài liệu, chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, nhưng ở những nhóm còn lại tôi làm việc mà sếp giao nhưng không ai làm, nói rằng không hiểu không làm được.
Việc tôi nhận được phản hồi tích cực từ các đối tác thì các sếp phó trực tiếp giao việc có biết (những sếp này đã thăng chức đi nơi khác), đây là những việc giúp dự án đang bị tắc nghẽn thông suốt, sếp phó cũng nhắn tin nói tôi làm tốt. Việc một sếp phó tôi đã đề cập là rút bớt nhóm cho tôi nhưng tôi vẫn tiếp tục làm các dự án riêng của sếp phó này chứ không phải là cho tôi ra khỏi nhóm của anh ấy. Anh ấy cũng thăng chức, đi nơi khác từ lâu. Lý do tôi gửi email vì có xin gặp trực tiếp để trao đổi thì trưởng phòng bảo cứ nhắn tin vì sếp cũng bận. Tôi biết trưởng phòng cũng khó xử vì tôi, nên tôi không trách gì cả, chỉ là chị trưởng nhóm trước đó bao nhiêu năm luôn chị em thân thiết, hay hỏi han quan tâm, cho tôi nhiều lời khuyên về công việc và cuộc sống, nên tôi tin tưởng và đến khi quá tải việc nhưng lại dồn thêm việc cho tôi thì tôi cũng muốn giãi bày để chị hiểu. Đây cũng là sai lầm của tôi.
Sau khi sự việc xảy ra, một phần vì công việc quá bận khiến tôi stress nặng nề, cùng thái độ của chị em trong phòng nên tôi rút gần hết. Một năm nay tôi làm trợ lý cho một sếp phó phòng, tuy vậy nhiều dự án và hợp đồng thực hiện cùng lúc, sếp cũng giao nhiều việc khiến tôi stress, nhưng thường xuyên động viên, khen tôi làm tốt và cho tôi cảm giác được ghi nhận. Tôi đã có tuổi, lại hướng nội, ngại thay đổi; bản thân không thông minh, chỉ là có sự chăm chỉ, kiên nhẫn học hỏi, vào đây học hỏi được nhiều kiến thức tôi thật lòng không muốn thay đổi môi trường. Một lần nữa tôi xin cảm ơn các anh chị và các bạn đã động viên, góp ý để tôi nhìn nhận lại chính mình.
Thảo Nhi