![]() |
Chiến thắng của HA Gia Lai có sự đóng góp không nhỏ của các cầu thủ đến từ SLNA, như Phi Hùng, Sỹ Hùng, Văn Hạnh... |
SLNA bắt đầu hỗ trợ quân cho HA Gia Lai từ những ngày đội bóng cao nguyên còn đá ở giải hạng Nhất. Hai cầu thủ đầu tiên chuyển từ đội bóng xứ Nghệ tới Gia Lai là Chu Ngọc Cảnh và Văn Sỹ Linh. Theo đánh giá của các nhà cầm quân xứ Nghệ, hai cầu thủ này được cho ra đi vì đã hết khả năng phát triển ở Sông Lam. Ban đầu, Cảnh và Linh được cho ACB mượn nhưng bị chê. Các thuyết khách của Nghệ An thân chinh lên Tây Nguyên gặp ông bầu Đoàn Nguyên Đức. HA Gia Lai từ chỗ chối đây đẩy chuyển sang bùi tai ưng thuận gánh thêm hai cầu thủ thừa của SLNA. Nhưng quyết định nhận người của HA Gia Lai đã không sai. Chu Ngọc Cảnh từ chỗ vô danh, bây giờ cũng được đội bóng Rajpracha của Thái Lan để mắt tới. Lối cộng sinh này cũng là dễ hiểu vì HA Gia Lai có tiền, nhưng thiếu người, thiếu lực lượng trẻ. SLNA nghèo hơn, tuy nhiên lúc nào cũng có những cầu thủ bị coi là "hết khả năng phát triển" ở SLNA nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn các CLB khác.
Nhìn bề ngoài, đội bóng xứ Nghệ không kiếm chác được gì qua những cuộc cho mượn người. Các cầu thủ ra đi nếu không là hết hạn hợp đồng (Võ Văn Hạnh), chuyển biên chế (Sỹ Hùng, chuyển biên chế từ Sở TDTT Nghệ An sang Sở TDTT Gia Lai) thì cũng là cho mượn miễn phí (Ngọc Cảnh, Sỹ Linh, Quốc Vượng). Nhưng theo lời một quan chức của HA Gia Lai, không mất tiền, thì đội bóng phố núi cũng mất một cái gì đấy vì trong thời buổi này đâu thể có chuyện cho không, biếu không. Những cầu thủ tới Gia Lai, theo Giám đốc điều hành SLNA Nguyễn Hồng Thanh, có hai dạng: hết khả năng phát triển và mầm non chưa phát triển. Chính bởi vậy, cho ra đi, SLNA vừa đỡ gánh nặng tiền lương mà lại tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát. Hơn thế, SLNA còn được tiếng thơm: tạo điều kiện cho các cầu thủ đến môi trường làm việc tốt hơn. Chỉ ở HA Gia Lai một mùa bóng, Sỹ Hùng vẫn được chủ tịch Đoàn Nguyên Đức tạo điều kiện mở cửa hàng gỗ ở Thanh Hóa.
Đến lúc này, có thể nói, mảnh đất Tây Nguyên đã trở thành vùng kinh tế mới của các cầu thủ Nghệ An. Và trong mùa giải sắp tới, HA Gia Lai dường như vẫn chưa chán sở thích mua hoặc mượn cầu thủ thừa của SLNA, cho dù số tiền họ phải trả để có Ngô Quang Trường, Lê Thành Long đã cao hơn trước kia. Không những chỉ tuyển quân xứ Nghệ, bầu Đức còn để ý tới tướng. HLV Huỳnh Văn Ảnh đã tiến bộ qua hai mùa giải, nhưng vẫn cần có thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm. Chính vì vậy, sau khi hết hạn hợp đồng với HLV Arjhan Somgamsap (Thái Lan), lãnh đạo HA Gia Lai đã nghĩ đến việc mời HLV Nguyễn Thành Vinh về nắm đội. Nhưng dự định này của HA Gia Lai không thành, bởi tình cảm quê hương đã giữ chân trợ lý HLV đội U23 quốc gia ở lại Nghệ An.
Mối tình SLNA - HA Gia Lai dựa trên sự biết điều về mặt kinh tế, nhưng cũng không thể không nhắc tới chuyện Giám đốc điều hành câu lạc bộ HA Gia Lai Nguyễn Ngọc Trân là một người con xứ Nghệ. Chính nhờ mối quan hệ đồng hương, nên những cuộc thương thảo giữa hai CLB luôn diễn ra thuận lợi. Dịp nào về quê, ông Trân cũng tiện thể "một công đôi việc". Vụ mua đứt hậu vệ Thành Long với giá 100 triệu vừa qua cũng được quyết khi ông Trân về quê ăn cưới cô cháu họ.
Những cầu thủ từ SLNA tới HA Gia Lai | |
Cầu thủ | Giá |
Chu Ngọc Cảnh (cho mượn, sau đó nhượng hẳn) | |
Văn Sỹ Linh (cho mượn) | |
Mùa giải 2003 | |
Võ Văn Hạnh (hết hợp đồng) | |
Văn Sỹ Hùng (chuyển biên chế) | |
Nguyễn Phi Hùng (bán) | 70 triệu |
Lê Quốc Vượng (cho mượn) | |
Mùa giải 2004 | |
Ngô Quang Trường (cho mượn) | 30 triệu |
Lê Thành Long (bán) | 100 triệu |
Hồng Liên