Năm 1971, học xong lớp 10, chàng trai Hà Thành Trần Mạnh Tuấn quyết tâm xếp bút nghiên lên đường chống Mỹ cứu nước, gia nhập đoàn quân Nam Tiến vào vùng Đông Nam Bộ.
Hai năm sau ngày nhập ngũ, trong trận đánh ác liệt ở chiến trường Quảng Trị, Tuấn bị thương nặng do trúng phải mảnh pháo của địch. Mê man bất tỉnh, ông được đưa xuống hầm. Tỉnh dậy cũng là khi trời vừa hửng nắng, đồng đội đưa ông lên chỗ bóng cây để hứng ánh mặt trời. Đúng lúc đó, loạt pháo của địch bắn vào hầm. Một đồng đội hy sinh còn ông thoát chết.
Sống sót, nhưng ông lại chịu thương tật đầy mình, với di chứng gãy 2 đốt cột sống và lún sọ. Sức khỏe yếu nên đi 4-5 bệnh viện, nơi nào bác sĩ cũng lắc đầu "bó tay phó mặc số phận". Suốt 4 năm, chàng thanh niên hơn 20 tuổi phải nằm hôn mê, liệt giường. Nằm viện đối với anh đã trở thành "cơm bữa", hết viện 103, 108, 109 rồi lại đến 357...
Bị liệt cả 2 chân, người thương binh này vẫn giành được hàng chục huy chương thể thao. Ảnh: T.D. |
Tình nguyện lấy thương binh liệt 2 chân
"Đã bao lần chết đi sống lại nên đối với tôi, sống sót trên cõi đời đã là diễm phúc, nào dám mơ đến hạnh phúc lứa đôi. Mỗi khi nhìn cảnh đồng đội, bạn bè có đôi, có lứa lại thấy tủi thân", ông Tuấn xúc động kể lại.
Duyên số run rủi, ông gặp Hồ Thị Phương, nữ sinh khoa Toán CĐ Sư phạm Hải Phòng vào những lần bà đến thăm anh trai nằm cùng khu điều trị. Nhưng mỗi khi bị anh trai Phương gán ghép "vợ chồng" là Tuấn lại đỏ mặt lảng tránh. Mãi 3 tháng sau, chàng thương binh liệt 2 chân ngỏ lời với cô sinh viên.
Cuộc sống chật vật, vất vả của đôi vợ chồng trẻ đã khiến cô giáo Phương phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình. Từ một cô con út vốn được chiều chuộng, một giáo viên quen với phấn bảng, học trò, người vợ trẻ dần quen với công việc gia đình. Để trang trải cuộc sống, Phương phải làm mọi nghề, từ bán hàng hóa tạp phẩm cho tới hàng phở, hàng cơm, hàng nước…Những lúc con thơ ốm đau bệnh tật, chồng thì vật vã vì thương tật của chiến tranh, đôi vai gầy của chị lại oằn xuống vì phải thêm gánh nặng lo toan. Nhiều lúc "sóng gió, bão táp" của cuộc đời khiến con thuyền hạnh phúc của họ tưởng như đổ vỡ. Nhưng rồi tình thương làm nên phép màu để cả anh và chị biết họ không thể sống thiếu nhau.
Ông Tuấn tâm sự, ông luôn mang trong mình sự biết ơn bởi bà quá can đảm dám hy sinh tuổi xuân để lấy một "con bệnh từng vài lần bị khênh xuống nhà xác vì đã chết lâm sàng". "Nhiều lần mình ra vào viện liên tục, đồ đạc trong nhà lần lượt ra đi. Nhìn căn nhà hơn chục m2 trống hoác còn mỗi cái phích là có giá trị để bán mà lòng quặn đau", ông rơm rớm nước mắt nhớ lại.
Vận động viên thể thao khuyết tật
Ít ai ngờ người thương binh bị 81% thương tổn do liệt nửa người, chấn thương sọ não, phải cắt đến 1,5 m ruột Nguyễn Mạnh Tuấn lại là chủ nhân của hàng chục chiếc huy chương và đạt nhiều thành tích trong các kỳ Đại hội thể thao trong nước và quốc tế.
Tật nguyền nhưng Tuấn quyết không chịu khuất phục trước số phận. Bạn bè vẫn thường gọi vui là "chàng thương binh vàng" vì ông là chủ sở hữu của hàng chục huy chương các loại. Là vận động viên xe lăn, bắn súng rồi bơi lội, ở lĩnh vực nào ông cũng rất thành công.
Năm 2003, ở giải tiền Paragames 2 và Paragames 2 được tổ chức tại Việt Nam, vận động viên bơi lội với đôi chân liệt này đã giành 4 huy chương trong đó 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Với môn bắn súng, ông cũng giành huy chương vàng tại Đại hội thể thao khuyết tật toàn quốc năm 1997, tại Asean Paragames năm 2001. Ngoài ra ông còn đạt nhiều thành tích xuất sắc trong môn xe lăn ở Đại hội thể thao Châu Á - Thái Bình Dương dành cho người khuyết tật…
Tuy nhiên, để có được thành tích như thế, không phải nhờ may mắn. Ban đầu, chỉ là tập cho vui để được hòa đồng cùng xã hội nhưng đến khi lắp viên đạn hay bước những bước xe lăn đầu tiên ra sân tập, bản chất người lính lại trỗi dậy. "Bao năm kháng chiến vào sinh ra tử, vất vả gian nan đều đã từng nếm trải nên mình không dễ thua cuộc trong những thử thách của số phận", ông nói..
Có những đêm 1, 2h sáng, gió rét căm căm, trời lất phất mưa nhưng ông Tuấn vẫn tự mình đi xe lăn lên Hồ Gươm hay Hồ Tây để tập. Khi tập bắn súng, phải tập trung căng thẳng, vết thương cũ tái phát co giật như luồng điện làm các cơ cứng lại không cử động được, ông chỉ còn biết dừng lại nén đau rồi lại kiên cường cất bước.
Những bậc thang ở bể bơi là nỗi ám ảnh với ông. Có những hôm không nhờ được bạn bè khiêng từ xe vào bể, ông phải tự mình "đi" bằng cách bò lết xuống đất di chuyển bằng tay từng bước một. Vào được bể bơi, người yếu ho sặc sụa, nước tràn vào phổi lại ốm. Rồi có khi xuống đến nước thì quay tít vì không giữ được thăng bằng, bơi vẹo vọ vì chân không làm được bánh lái…
Những giọt nước mắt bên giường bệnh
Sau 19 năm kết hôn, Trần Mạnh Tuấn (thương tật 81%) và cô giáo Hồ Thị Phương đã có một gia đình êm ấm, 2 cô con gái. Chuyện tình của họ tưởng như kết thúc có hậu. Nhưng năm ngoái, sau lần đi khám và phát hiện mình bị ung thư vú di căn, bà Phương lặng người, đôi chân như muốn khuỵu xuống.
"Lo cho mình thì ít mà lo cho gia đình thì nhiều hơn. Lỡ mình có mệnh hệ gì, anh và hai đứa con sẽ sống ra sao?", đôi mắt chị ngấn lệ.
Tóc chị Phương giờ đã mọc trở lại. Ảnh: H.L. |
Nghĩ đến điều đó, người phụ nữ này lại quyết tâm phải sống. Sau 2 lần lên bàn mổ, 6 đợt truyền hóa chất, xạ trị... giờ trông bà Phương đã "có da có thịt", tóc mọc trở lại trên chiếc đầu trơ da. Ngày ngày, ông miệt mài bên chiếc xe lăn đi lại chăm sóc bà.
Tuy nhiên, khi bệnh tình của bà thuyên giảm cũng là lúc gia đình rơi vào cảnh nợ chồng nợ chất. Chi phí cả trăm triệu đồng buộc người thương binh phải "vay chỗ nọ đập chỗ kia", người gầy rộc đi. "Mừng là cô ấy đã khỏe trở lại. Sống được ngày nào với gia đình là tốt ngày đó", giọng ông như nghẹn lại. Vừa nói, ông vừa lấy tay vuốt sống lưng để xua đi cơn đau âm ỉ hành hạ anh suốt mấy chục năm qua.
Mỗi lần hàng xóm, đồng đội cũ đến thăm, người đàn ông này lại rớm lệ. "Giá tôi có thể đổi sự sống cho cô ấy", ông nghẹn ngào.
Hoàng Lan - Tiến Dũng