Hôm 10/3, đạo diễn Richard Glatzer của phim Still Alice qua đời, đồng đạo diễn Wash Westmoreland nói: "Tôi suy sụp. Tôi rất đau lòng. Rich là bạn tâm giao, là cộng sự và là cả cuộc sống của tôi". Cặp đạo diễn đã trải qua 20 năm chung sống và 15 năm làm phim chung, với bộ phim Still Alice là đỉnh cao sự nghiệp.
Lần gặp gỡ đầu như trên phim
Westmoreland và Glatzer gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1995, tại tiệc của một người bạn chung ở Los Angeles (Mỹ). Cả hai cảm thấy thân thiết với người kia ngay lập tức. “Giống như phim West Side Story. Đang tiệc thì bỗng mất điện và tôi chỉ thấy Richard. Richard cũng chỉ thấy tôi. Chúng tôi thích nhau ngay rồi chúng tôi nói chuyện cả đêm về phim ảnh. Đến giờ chúng tôi vẫn có chung sở thích đó”, Westmoreland nói.
Còn Glatzer từng kể: “Tối đó West nói mình thích phim Rosemary’s Baby và Tokyo Story. Tôi thì chỉ nhớ mình thấy cậu ấy rất đẹp trai”.
Khi hai người gặp gỡ, Glatzer đã được công nhận là đạo diễn của dòng phim tác giả với phim đầu tay Grief (1993) - giành tượng vàng "Phim xuất sắc" ở LHP Frameline Festival, Mỹ. Còn lúc này, Westmoreland đang là đạo diễn phim khiêu dâm.
Sinh năm 1966 ở Anh - kém bạn trai người Mỹ 14 tuổi, Westmoreland du học ở Nhật về ngành văn hóa và chính trị. Sau đó, anh từ Nhật sang Mỹ theo học một khóa dựng phim. Sau khi tốt nghiệp, Westmoreland đi làm phim khiêu dâm và trở thành đạo diễn kiêm biên kịch nổi danh.
"Vừa ra trường và thất nghiệp, vì thế tôi nghĩ đi làm phim 'con heo' như một cách kiếm sống. Ở trường quay phim khiêu dâm, tôi cũng có máy quay, ánh sáng, diễn viên và cũng kể một câu chuyện. Thế là tôi làm phim đó với nỗ lực hết sức. Trường quay phim người lớn cũng là trường học điện ảnh của tôi. Tôi biết nhiều người từng làm phim hạng B (phim rẻ tiền) trước khi làm phim hạng A (phim được đánh giá cao). Còn tôi bắt đầu từ phim khiêu dâm".
15 năm cộng tác nhiều gian khó
Sau lần gặp gỡ định mệnh, hai người nhanh chóng hẹn hò rồi dọn về sống chung. Trong khi vừa chuẩn bị cho dự án cùng nhau hợp tác, Westmoreland vẫn kiếm sống bằng nghề đạo diễn phim khiêu dâm. Những kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghiệp phim người lớn Bắc Mỹ trở thành nguyên liệu cho phim nghệ thuật đầu tay giữa Westmoreland và Glatzer mang tên The Fluffer.
Kịch bản kể về cuộc sống nhiều thăng trầm của một chàng sinh viên điện ảnh trẻ đi đóng phim khiêu dâm. Bộ phim ra mắt tại hai liên hoan phim lớn của thế giới là Berlin và Toronto và cũng là lời giã biệt của Westmoreland với dòng phim này.
Sau The Fluffer, hai nhà làm phim dành hầu hết thời gian tìm tài chính cho dự án tâm huyết thứ hai mang tên Quinceañera. Quinceañera nói đến nghi lễ trưởng thành của con gái ở Mexico khi đến tuổi 15. Được làm với ngân sách 500.000 USD, tác phẩm ra mắt năm 2006 gây tiếng vang tại LHP Sundance khi cùng lúc giành hai giải thưởng "Phim xuất sắc" của Ban giám khảo và Khán giả bình chọn. Phim cũng được phát hành trong hệ thống thương mại rộng rãi ở Mỹ, giúp cặp đạo diễn khẳng định tên tuổi.
Thành công của Quinceañera không có nghĩa Glatzer và Westmoreland đã hết khó khăn trong việc tìm tài chính. Sau dự án Quinceañera, cả hai mất 5 năm để chuẩn bị và huy động ngân sách cho phim tiếp theo mang tên The Last of Robin Hood (2011). Giữa khoảng thời gian đó, họ đi làm các phim quảng cáo, hoặc làm đạo diễn cho các show truyền hình như America's Next Top Model để trang trải cuộc sống. Theo Westmoreland, cả hai đã phải bán cả bộ sưu tập con tem hồi nhỏ của Glatzer để có tiền theo đuổi sự nghiệp làm phim.
"Là một nhà làm phim nghĩa là bạn chẳng có gì ổn định hay an toàn hết. Bạn có thể đạt được thành công nhưng bạn không chắc khi nào sẽ làm được tác phẩm tiếp theo. Khủng hoảng tài chính nổ ra nghĩa là các dự án phim độc lập bị sập. Từng có nhiều ngày chúng tôi hỏi nhau: Liệu chúng ta có làm được phim tiếp theo không?", đạo diễn Westmoreland kể lại vào năm 2014.
Sau khi kết hôn năm 2013, Richard Glatzer nhận ra mình bắt đầu mất tiếng nói. Khi đến bác sĩ, cả hai sững sờ khi được thông báo Glatzer mắc bệnh xơ cứng teo cơ nan y ALS. "Lúc nghe tin, tôi đã đặt câu hỏi: 'Chúng ta sẽ làm cái quái gì nữa? Chúng tôi đã mường tượng ra việc bán nhà, dọn sạch đồ đạc rồi đi du lịch vòng quanh thế giới. Thế nhưng Glatzer rất cương quyết và muốn cuộc sống như bình thường và chúng tôi vẫn làm phim".
Chinh phục đỉnh cao sự nghiệp với Still Alice
Năm 2014, cả hai quyết định làm tác phẩm Still Alice, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Lisa Genova. Khi tác phẩm vừa bước vào giai đoạn ghi hình, bệnh của Glatzer trở nặng hơn. Nhà làm phim gần như bị liệt nửa người, không nói hay ăn được. Ông phải giao tiếp bằng một ứng dụng trên iPad.
Westmoreland nói: "Dù vậy, trí tuệ của anh ấy vẫn rất minh mẫn. Trên trường quay, tôi là người phát ngôn của anh ấy. Anh ấy thường ngồi xem lại cảnh quay và kiểm duyệt lại các cảnh đã ghi hình. Ít người biết, tiểu thuyết và kịch bản gốc khác nhau. Bởi trong phim, Richard đã đưa nhiều chi tiết cá nhân của anh vào nhân vật chính. Anh ấy thấy nhiều điểm tương đồng với chính nhân vật, một học giả bị mất dần trí nhớ nhưng vẫn tìm mọi cách giữ được bản thân".
Still Alice ra mắt ở LHP Toronto năm 2014 và được coi là phát hiện của Bắc Mỹ. Tác phẩm gây tiếng vang và chạm vào trái tim khán giả thế giới. The Guardian nhận định: "Bộ phim kể về bệnh mất trí nhớ dần nhưng không hề khuôn sáo mà chân thực và nhiều sáng tạo hơn bao giờ hết".
Julianne Moore được đánh giá cao và nhận giải Oscar "Nữ diễn viên chính xuất sắc" - tượng vàng đầu tiên trong đời minh tinh. Trên sân khấu lễ trao giải tháng 2 vừa qua, Julianne Moore vinh danh Glatzer, người đang nằm trên giường bệnh xem qua tivi cảnh bà xúc động ôm tượng vàng. "Chúng tôi hạnh phúc khi Still Alice được người xem thế giới đồng cảm. Glatzer thấy viên mãn với tác phẩm này", Westmoreland chia sẻ.
Quá trình làm phim cũng giúp Westmoreland suy ngẫm về vai trò của mình với bạn đời. "Tôi vẫn là chồng của anh ấy. Tôi không chỉ là người chăm sóc anh ấy khi đau yếu. Trong gần 20 năm chung sống, chúng tôi từng có nhiều bất hòa và cãi vã. Nhưng việc chăm sóc anh ấy thay đổi tôi, giúp tôi nhận ra mình càng trân trọng và yêu anh ấy hơn".
Chia sẻ về bí mật tình yêu bền chặt, Westmoreland cho biết: "Chúng tôi rất thành thật với nhau và hai chúng tôi đều có những thứ mà nửa còn lại thiếu. Chúng tôi luôn cảm thấy tự nhiên và hạnh phúc khi được ở bên nhau nhiều như thể chưa bao giờ là đủ, cả trong công việc và ngoài đời".
Ngay sau đỉnh cao sự nghiệp, cả hai đạo diễn bắt tay viết kịch bản dự án mới. Nhưng Richard Glatzer qua đời hai hôm trước. Nói về một nửa của mình, đạo diễn Westmoreland chia sẻ: "Richard là một người độc đáo, một người có chính kiến, hài hước, rộng lượng và rất thông minh. Anh ấy là một nghệ sĩ đích thực. Tôi như tìm được kho báu trong 20 năm chung sống".
Vũ Văn Việt