Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 3 là hơn 8.500, trị giá 208 triệu USD, tăng 50,8% về lượng và 46,9% về trị giá so với tháng trước. Do tác động của cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới nên lượng nhập khẩu của quý I giảm mạnh. Cụ thể, số lượng nhập khẩu ôtô cả quý chỉ đạt 19.700 chiếc, giảm 21,2% về lượng và 16,8% về giá trị so với cùng kỳ.
Theo đó, nhập khẩu giảm ở hầu hết các loại xe: xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 6.900 chiếc (giảm 37,6%); ôtô loại khác đạt hơn 3.000 chiếc (giảm 45,6%). Riêng ôtô tải nhập khẩu vẫn tăng 16% đạt 9.860 xe.
Thái Lan đã chính thức trở thành quán quân xuất khẩu ôtô vào Việt Nam với khoảng 7.814 xe, tăng 64,5% so với cùng kỳ. Với tổng giá trị nhập khẩu khoảng 140 triệu USD, bình quân mỗi tháng người Việt chi khoảng 47 triệu USD nhập khẩu trên 2.600 chiếc xe từ Thái Lan, cao hơn 600 xe so với mức bình quân của năm 2015.
Trước đó, năm 2015, Thái Lan đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ về việc xuất khẩu ôtô vào Việt Nam. Năm 2015, người Việt tiêu thụ tổng cộng 25.140 xe từ Thái Lan.
Các thị trường truyền thống có sự sụt giảm đáng kể như: Hàn Quốc giảm 41% với lượng nhập khẩu chỉ còn 3.560 chiếc, Trung Quốc giảm 58% còn 2.260 chiếc…
Nhập khẩu ôtô từ Thái Lan tăng mạnh trong bối cảnh sụt giảm chung của thị trường cho thấy tác động mạnh mẽ của việc giảm thuế nhập khẩu.
Từ năm 2016, theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu ôtô từ khu vực ASEAN đã giảm từ 50% về 40%, năm 2017 giảm về 30% và đến năm 2018 thì xoá bỏ hoàn toàn. Điều này đã tạo ra lợi thế riêng cho các mặt hàng ôtô từ khu vực ASEAN.
Thái Lan vốn là nước có ngành công nghiệp ôtô phát triển, nhiều loại xe phù hợp với thị hiếu và túi tiền của người Việt.
Bạch Dương