Tôi đã từng là giảng viên, từng có những mơ ước về giáo dục, nhưng điều đó đã không thể vì nhiều lí do, cuối cùng tôi đã bỏ ra ngoài bươn chải theo cơ chế thị trường.
Sau 3 năm lăn lộn, tôi cũng có cuộc sống tương đối ổn định có vợ, con và lại có ước mơ rời cuộc sống bon chen, quay trở lại bục giảng.
Đúng lúc này cậu em học cùng lớp cao học giới thiệu có một trường cao đẳng kỹ thuật đang cần tuyển giảng viên hợp đồng ở Hà Nội. Tôi đã liên hệ, tìm hiểu và được ký hợp đồng ngay (vì đã có bằng thạc sĩ và kinh nghiệm giảng dạy 5 năm).
Sau khi ký hợp đồng khoảng 2 tuần tôi bắt đầu lên lớp với sự chuẩn bị khá chu đáo về giáo án và phương pháp sư phạm vì sợ sinh viên bây giờ giỏi hơn, sử dụng internet tốt hơn và cũng mong muốn trở thành một thầy giáo tốt.
Tuy nhiên, ngược lại với những mong muốn của tôi là những điều mà tôi chưa từng gặp trước đây khi tôi là thầy giáo như: Sinh viên không đứng dậy chào giáo viên, trong lớp thì lộn xộn (ai thích đứng thì đứng, thích ngồi thì ngồi…), giờ học thì để chuông điện thoại reo, nghe điện thoại trong lớp, ngủ gục… tất cả điều khiến tôi thất vọng.
Về đến nhà, tôi tâm sự ngay với vợ hiện là giáo viên tiểu học. Vợ tôi nói rằng bây giờ thời đại nó thế. Cô ấy cũng không quên động viên tôi hãy cố gắng biết chấp nhận và thay đổi quan điểm một chút.
Nhưng sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi quyết định sẽ cố gắng tiếp tục dạy cho xong môn học đó và bỏ dạy, không ký hợp đồng tiếp nữa.
Bởi nếu ngày đầu đối với tôi là sự thất vọng về sinh viên thì ngày thứ hai là thất vọng về nhà trường và thấy thương cho các bậc phụ huynh. Những ông bố, bà mẹ của các em ở quê (phần lớn là ở nông thôn) ngày đêm làm việc để có tiền gửi ra Hà Nội cho con mỗi tháng 3 triệu mà không biết con mình đang làm gì, học gì giữa thủ đô nhộn nhịp. Vì tôi cũng từ quê ra Hà Nội hơn 12 năm trước nên tôi hiểu cuộc sống thế nào.
Là trường nghề mà trong giờ học, các em không có mô hình học cụ, không có thực hành, không có giờ học cố định… chỉ hoàn toàn là lý thuyết suông, trong khi các môn học của sinh viên nghề, phần thực hành chiếm 80-90% thời lượng môn học.
Ví dụ môn của tôi dạy tổng số 84 tiết (có 14 tiết lý thuyết, 60 tiết thực hành, cứ 1 tiết lý thuyết sẽ có 5 tiết thực hành). Nhưng phòng thực hành chỉ là một cái kho cũ trong đó có vài cái bàn, vài cái chi tiết máy (là sắt vụn thì đúng hơn). Nói cách khác, phòng thực hành chỉ là tên gọi, còn nó chẳng có dụng cụ gì để phục vụ cho chức năng "thực hành". Thầy trò đến đó chỉ để nói chuyện tán gẫu.
Cũng từ cái phòng thực hành này tôi mới nghe được tâm sự của các sinh viên. Các em đã học gần 3 năm ở đây, nhưng tất cả các môn học đều không có thiết bị để thực hành. Học về máy, công cụ nhưng các em không biết thế nào là máy tiện, máy phay… Điều duy nhất được thực hành là mỗi học sinh được hàn 1 que hàn điện.
Với cung cách đào tạo như vậy, sau khi ra trường thì sinh viên nghề biết gì, làm được gì?
Phạm Đăng Việt
Chia sẻ bài viết của bạn về dạy nghề ở Việt Nam tại đây.