From: hung phuong vu
Sent: Friday, October 24, 2008 2:03 PM
Subject: Gui toa soan: Moi su so sanh dan ong Viet Nam deu khap khieng
Tôi muốn mở đầu bài viết này bằng một câu nói của người khác ‘mọi sự so sánh đều là khập khiễng’ để bàn về vấn đề đang được thảo luận trên diễn đàn so sánh đàn ông Việt Nam.
Như các bạn đã biết việc so sánh giữa hai con người cùng một đất nước, một nền văn hóa đã rất khó khăn vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố nội sinh và ngoại sinh, huống hồ đây lại là sự so sánh giữa đàn ông Việt Nam và đàn ông châu Âu, giữa hai nền văn hóa hoàn toàn khác nhau.
Tôi từng sống ở các nước Đông Âu những năm 80 và Tây Âu những năm gần đây. Ở đâu cũng có người tốt và người xấu, người đàn ông quan tâm và không quan tâm đến vợ, người phụ nữ thủy chung và phản bội chồng… Sự khác nhau trong cách sống và cư xử xảy ra ở ngay tại nước Bắc Âu (những nước được các bạn nữ ca ngợi), giữa các Bắc Âu và Nam Âu.
Các bạn nữ ca ngợi rằng, chồng Tây rất tốt, nhưng tại sao tại các nước này tỷ lệ ly hôn cao. Nhiều phụ nữ Việt Nam đã lấy chồng Tây, rồi bỏ nhau và lấy người khác. Nếu tất cả chồng Tây đều tốt như vậy thì việc ly hôn đều do phụ nữ gây ra?
Có rất nhiều phụ nữ Việt coi đàn ông Tây là biểu tượng nên bằng cách này hay cách khác cố gắng lấy cho bằng được, sau khi lấy nhau rồi họ mới nhận ra những khác biệt về cách sống, văn hóa. Một số người dũng cảm thì ly hôn và đi lấy người khác, nhưng một số người thì cam chịu vì sợ mang tiếng.
Khi yêu Tây rồi thì phụ nữ Việt thường sống buông thả hơn và việc đi qua giới hạn trước hôn nhân là điều hiển nhiên vì họ nghĩ rằng như thế mới là tiến bộ. Trong khi đó yêu người Việt thì rất khó để người phụ nữ lại dễ dàng như vậy.
Tôi không hiểu các bạn nữ Việt Nam lấy Tây khi đi cùng nhau ở nơi công cộng tại đất khách quê người cảm thấy thế nào? Tôi có may mắn học tập, công tác ở nhiều nước ở châu Âu với thời gian dài nên cũng rất hiểu cái cảm giác mình là người thừa của một đất nước không phải nơi mình sinh ra, cảm thấy sự lạc lõng, sự thương hại.
Nhìn lại lịch sử, phụ nữ châu Âu đã bị đối xử tồi tệ như thế nào qua các tác phẩm văn học và vì vậy ngày nay họ mới được xã hội và luật pháp bảo vệ như vậy. Qua những lần nói chuyện vui với những người bạn nước ngoài thì ở châu Âu người đàn ông xếp thứ tư sau phụ nữ, con cái và chó, nhưng đây lại là sự thật. Ở đây tôi muốn nói rằng trước đây đàn ông châu Âu cũng đối xử không tốt với phụ nữ, do vậy sự cư xử giữa người đàn ông và phụ nữ cũng sẽ thay đổi theo sự tiến bộ của dân tộc, đất nước mình. Các bạn nữ Việt Nam cần nhận ra điều đó và phải xem xét lại chính mình.
Nhân đây tôi cũng có một vài điều với bạn Trúc Quỳnh. Không biết bạn học và nghiên cứu về lĩnh vực gì, được bao lâu, lấy chồng Tây từ bao giờ? Bạn cũng biết rằng khi đưa ra một nhận xét, một kết luận gì đều phải dựa trên lý thuyết hoặc mô hình và phải có kiểm chứng. Trong khi đó bạn chỉ dựa trên một mẫu cụ thể của bản thân và không có những điều kiện ràng buộc hay kiểm nghiệm qua thời gian để đưa ra một kết luận to đùng ‘Đàn ông Việt Nam không bằng đàn ông Tây’.
Tôi không biết bạn sinh ra, lớn lên ở đâu và tính cách như thế nào để không thể tìm cho mình một người bạn đời Việt Nam, người có mà bạn có thể tâm sự, chia sẻ và hiểu nhau. Còn đối với người chồng Tây, bạn và anh ta hiểu nhau được đến đâu?
Tôi chỉ nói điều này thay cho lời kết. Chúng ta, người Việt Nam, không kể nam hay nữ sẽ được tôn trọng khi chúng ta giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Còn việc quay lại chê bai sẽ làm cho người khác không tôn trọng. Một xã hội phát triển bền vững cần có sự phát triển hài hòa và phù hợp với văn hóa của chính mình.