Tai nghe không dây nói chung và AirPods nói riêng đang trở thành món đồ sử dụng hàng ngày của nhiều người. Tuy nhiên sau một thời gian, chúng để lại một rủi ro lớn cho thị trường khi pin bị chai. Người dùng gần như không thể tự thay do thiết kế quá nhỏ.
Theo hãng nghiên cứu Counterpoint Research, mỗi năm có hàng trăm triệu tai nghe không dây được bán ra thị trường, trong đó AirPods và AirPods Pro phổ biến nhất.
Apple cho biết iPhone có thể trải qua 500 chu kỳ sạc, MacBook là 1.000 lần nhưng công ty không chia sẻ số liệu về AirPods. Các chuyên gia ước tính sau khoảng 500 chu kỳ sạc, pin của tai nghe bắt đầu bị chai. Nếu dùng hàng ngày, tuổi thọ pin rơi vào là khoảng một năm rưỡi. Nhưng pin AirPods không chai dần theo chu kỳ đều đặn. Theo giáo sư Anna Stefanopoulou tại Đại học Michigan, ban đầu pin sẽ già đi nhanh, sau đó chậm dần, rồi lại chai nhanh cho đến khi hết tuổi thọ. Sạc nhanh và sạc không dây cũng là nguyên nhân khiến pin xuống cấp nhanh hơn.
Charlie Welch, Giám đốc điều hành ZapBatt - công ty sản xuất pin lithium-titanate, nhận định loại titanate có thể kéo dài ít nhất 15.000 chu kỳ sạc. Còn công nghệ pin lithium-ion mới có thể tồn tại lâu hơn. Tuy nhiên, cả hai loại đều chứa ít năng lượng hơn trong cùng một khoảng không gian và thời lượng pin hàng ngày một kém hơn.
Swap Club là startup đang áp dụng mô hình đổi AirPods cũ và nhận về cặp tai nghe được thay pin mới với giá 50 USD. Đồng sáng lập Emily Alpert cho biết tai nghe được thu về sẽ được vệ sinh và thay pin, thời gian sử dụng thậm chí dài hơn ban đầu. Đổi lại, AirPods sẽ mất đi tính năng kháng nước và một số tiện ích so với nguyên bản.
Giống nhiều thiết bị điện tử khác, pin tai nghe sẽ xuống cấp theo thời gian. Tuy nhiên, người dùng gần như không thể tự thay. Các nhà sản xuất không khuyến khích việc này và hiếm khi cung cấp cho người dùng thông tin về cách sửa chữa hoặc loại pin phù hợp. Ngoài ra, cấu trúc của tai nghe không dây hoàn toàn khép kín, việc tháo rời không dễ dàng như các thiết bị điện tử khác.
Người phát ngôn của Apple cho biết: "Chúng tôi sẽ thay AirPods mới cho người dùng và gửi chiếc cũ cho các đơn vị tái chế tốt nhất nhằm đảm bảo việc xử lý an toàn cho môi trường". Apple hiện cung cấp dịch vụ này cho tai nghe không còn bảo hành với giá 49 USD và thêm 49 USD cho hộp đựng. Mức giá tương đương mua một chiếc tai nghe mới thay vì chọn sửa chữa.
Ngoài AirPods, trên thị trường có một số mẫu tai nghe không dây có thể thay thế. Gio Cerdena, kỹ sư âm thanh ở Manila (Philippines), đã lên YouTube, xem hướng dẫn và mua pin trên mạng về thay cho Sony WF-1000XM3. Việc đổi pin mất khoảng 6 phút với dụng cụ đơn giản, chi phí 24 USD. Tuy nhiên ngay ở bản nâng cấp tiếp theo, mẫu XM4 đã khó tháo hơn rất nhiều. Theo các chuyên gia, lý do dễ hiểu nhất là việc dễ thay thế pin ảnh hưởng đến lợi nhuận nhà sản xuất.
Chuyên trang sửa chữa iFixit nhận định việc đổi pin sẽ ảnh hưởng đến một số tính năng quan trọng của tai nghe, thậm chí làm hư hại vì linh kiện được làm rất tỉ mỉ, dễ bị va chạm. Cùng với đó, pin là bộ phận kém an toàn nhất của thiết bị điện tử. Khi nỗ lực tháo lắp thay pin, chúng có thể bị thủng hay đoản mạch và phát nổ, thậm chí gây hỏa hoạn.
Việc AirPods phát nổ trên tai người dùng không còn là chuyện hiếm. Dù Apple chưa phản hồi chính thức về những sự cố này, nhiều chuyên gia cho rằng pin là một trong những nguyên nhân chính khiến tai nghe gặp sự cố.
Huế Nguyễn (theo WSJ)