TS Nguyễn Thị Minh Phương, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đã công bố kết quả nghiên hành vi người tiêu dùng nhựa sử dụng một lần tại hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên(WWF) tổ chức, sáng 23/7.
Nghiên cứu được thực hiện tháng 11/2020, ở 9 tỉnh gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Gần 2.300 phiếu khảo sát được phát cho 8 nhóm gồm: Công nhân, nhân viên, nội trợ, thanh niên, ngư nghiệp, giáo viên, cán bộ viên chức và người buôn bán dịch vụ.
Kết quả cho thấy các nhóm sử dụng trên ba túi nylon một ngày là nội trợ, thanh niên, ngư nghiệp, cán bộ viên chức. Nhóm công nhân, nhân viên, giáo viên sử dụng dưới ba túi một ngày.
Theo TS Phương, nhóm có mức sống càng cao thì tỷ lệ sử dụng túi nylon càng nhiều. Có rất ít người được hỏi hiểu biết về các loại nhựa hay tác hại của rác thải nhựa dùng một lần đối với con người, thiên nhiên. Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sử dụng túi nylon, nhựa dùng một lần còn cao.
Nhóm nghiên cứu cho rằng cần tăng cường vận động chính sách, xây dụng hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng cam kết giảm thiểu nhựa dùng một lần, phân loại rác tại nguồn, tổ chức hoạt động thiện nguyện vì môi trường.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết kết quả nghiên cứu trên sẽ được vận dụng để hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đề ra đến năm 2023 Việt Nam giảm 75% lượng rác thải nhựa trên biển; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.