Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP HCM ngày 29/8, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng UBND TP cho biết, tình hình kinh tế thành phố tháng qua có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt hơn 50.700 tỷ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 389.400 tỷ đồng, tăng 12,2% so cùng kỳ.
Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tháng 8 ước đạt 1,97 tỷ USD, giảm 23,5% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 17,8 tỷ USD, giảm 2,8% so cùng kỳ.
Tính đến ngày 20/8, trên địa bàn thành phố có 260 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 588 triệu USD. Ngoài ra, có 84 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư hơn 586 triệu USD.
Về du lịch, tổng lượng khách quốc tế đến thành phố trong 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 2,4 triệu lượt, tăng 1,4% so cùng kỳ, đạt 60% kế hoạch năm nay. Tổng doanh thu du lịch (bao gồm nhà hàng, khách sạn và du lịch lữ hành) đạt hơn 55.700 tỷ đồng, tăng 17,8% so cùng kỳ.
Về thu chi ngân sách, đại diện Sở Tài chính cho biết, tính đến thời điểm này, TP HCM thu được khoảng 150.000 tỷ đồng, đạt 63% chỉ tiêu được giao cả năm (236.000 tỷ đồng). Trong 4 tháng cuối năm, thành phố sẽ phải thu thêm 80.000 tỷ mới đủ chỉ tiêu Trung ương giao.
Sau khi nghe các sở, ngành báo cáo, Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu cơ quan thống kê cũng như Văn phòng thành phố phải có thống kê chính xác hơn. Phải so sánh trong từng thời điểm để thấy được dù trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng thành phố đã có những chuyển biến rất tốt. “Cứ cộng mấy con số lại như thế này là phản ánh không đúng, không chính xác”, ông Quân nói.
Đối với tình hình thu ngân sách, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đánh giá đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cả thành phố cần phải nỗ lực mới có thể đạt được chỉ tiêu được giao. “4 tháng phải thu 80.000 tỷ đồng, tức là mỗi tháng phải thu được 20.000 tỷ. Tính ra mỗi ngày chúng ta phải thu được gần 1.000 tỷ cho ngân sách”, ông Quân nói và đề nghị các sở, ngành nghiêm túc thực hiện kế hoạch thu ngân sách mà thành phố đã giao.
Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, tại cuộc họp hôm qua, các vấn đề nóng như xây dựng nhà trái phép, đấu thầu giá thuốc tập trung… cũng đã được lãnh đạo thành phố cùng các sở, ngành "mổ xẻ".
Báo cáo với UBND TP, ông Nguyễn Văn Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh – địa phương có nhiều vi phạm nhất trong lĩnh vực xây dựng cho biết, từ cuối năm 2012 đến ngày 15/5, trên địa bàn huyện xảy ra 218 vụ xây nhà không phép, chủ yếu ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng. Chính quyền đã yêu cầu tự tháo dỡ 86 căn và cưỡng chế 102 căn, số còn lại được xác định phù hợp quy hoạch nên được giữ nguyên.
Riêng trong giai đoạn ngày từ 15/5 đến 20/6, chỉ trong vòng 35 ngày, trên địa bàn huyện này có đến 681 vụ xây nhà trái phép, trong đó có 97 căn hợp với quy hoạch. Chính quyền đã cưỡng chế 150 trường hợp, số còn lại người dân tự nguyện tháo dỡ.
Về kết quả xử lý những người liên quan, theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, huyện đã tạm đình chỉ 4 Chủ tịch và 3 Phó chủ tịch xã, 8 cán bộ địa chính. Đồng thời có 2 Chủ tịch xã bị cảnh cáo và kỷ luật khiển trách 5 người. Bên cạnh đó, Công an Bình Chánh đã điều tra và xác định có 50 đầu nậu nghi ngờ có liên quan đến các đường dây “chạy” nhà trái phép và đang thu thập chứng cứ để khởi tố vụ án. “Sắp tới huyện sẽ tổ chức xét xử lưu động một đầu nậu để làm gương ở địa phương”, ông Trường cho hay.
Cũng theo ông Trường, quá trình xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực xây dựng nảy sinh bất cập vì các căn nhà xây dựng trái phép chỉ 3 - 4 hôm sau đã có đồng hồ điện, nước và cả giấy phép kinh doanh. Khi huyện yêu cầu ngành điện lực không cung cấp điện, nước và giấy phép kinh doanh cho các hộ xây nhà không phép thì các cơ quan chức năng cho biết "theo quy định cứ có công trình, có địa chỉ cụ thể là được cấp đồng hồ".
Trước yêu cầu của Chủ tịch Lê Hoàng Quân là phải giải thích rõ về vấn đề này, ông Trần Trung Tuấn, Phó giám đốc Công ty điện lực TP HCM cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, quy định của ngành là chỉ cần cung cấp địa chỉ, số nhà cụ thể là được gắn điện kế miễn phí và có điện xài.
“Mấy ông nói nghe rất thương dân nhưng thực chất chỉ để kiếm tiền bán điện, bán nước. Hèn gì ông nước, ông điện nào cũng giàu”, ông Quân ngắt lời. Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đề nghị Công ty điện lực và Công ty cấp nước trước khi cung cấp "cần phải có xác nhận của địa phương hoặc phải kèm theo giấy phép xây dựng nhà trong hồ sơ đăng ký mới được cấp".
Về vấn đề đấu thầu thuốc tập trung và các bệnh viện của TP HCM than thiếu thuốc, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho rằng “không có chuyện thiếu thuốc” và khẳng định sẽ đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh.
“Các bệnh viện than thiếu là vì muốn giữ nguyên mức giá như năm ngoái. Tôi nói thẳng là có ‘lợi ích nhóm’ trong vấn đề này. Một số hãng dược có chân rết ở các bệnh viện nên không muốn đấu thầu thuốc tập trung để tư lợi”, ông Thuận nhấn mạnh và cho biết đấu thầu thuốc tập trung sẽ có lợi cho người bệnh vì giá thuốc sẽ giảm 20 - 30% so với hiện nay. Trong tuần sau, thành phố sẽ công bố kết quả.
Hữu Công