Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), doanh nghiệp quản lý ngành điện lỗ ròng hơn 26.700 tỷ đồng (khoảng 1,05 tỷ USD) do chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp ăn mòn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.
Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất của EVN năm trước đạt hơn nửa triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2022. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 13.000 tỷ, tăng hơn 20%. Tuy nhiên, con số này không đủ để bù đắp chi phí lãi vay, chưa tính tới các chi phí hoạt động và quản lý.
Tập đoàn này trả gần 19.000 tỷ đồng lãi vay trong năm ngoái, chiếm khoảng 83% chi phí tài chính và tăng hơn 4.000 tỷ so với năm 2022. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp phải trả hơn 50 tỷ đồng tiền lãi vay.
Ngoài ra, chi phí hoạt động của EVN cũng cao hơn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính. Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong năm ngoái là hơn 21.400 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức hơn 20.500 tỷ năm 2022.
Các khoản chi cao khiến EVN lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 26.000 tỷ đồng trong năm 2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp tập đoàn này lỗ sản xuất kinh doanh điện. Tính chung lỗ ròng cả năm là hơn 26.700 tỷ, tăng 29% so với lỗ năm 2022 và cao hơn con số ước tính trên các báo cáo của Bộ Công Thương trước đó (17.000 tỷ đồng).
Đầu năm nay, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết 2024 tiếp tục là năm khó khăn về tài chính, cung ứng điện với tập đoàn này nếu không có thay đổi về chính sách, giá.
Năm 2023, sau hai lần được tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 7,5%, ông Tuấn cho biết doanh nghiệp này vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất do các thông số đầu vào duy trì ở mức cao. Tổng giám đốc EVN cho biết số lỗ của tập đoàn này chủ yếu do giá bán ra vẫn thấp hơn giá thành. Hồi đầu năm nay, mỗi kWh bán ra doanh nghiệp này lỗ gần 142,5 đồng.
Hiện EVN và các Tổng công ty phát điện (các Genco) chiếm khoảng 37,5% nguồn điện; 62,5% còn lại phụ thuộc vào PVN, TKV và nhà đầu tư bên ngoài (BOT, tư nhân). Như vậy, tỷ trọng mua điện của EVN hiện chiếm 82% chi phí giá thành mua điện - cao gấp đôi các nước. Doanh nghiệp này còn khoảng 17% để điều tiết các khâu còn lại như truyền tải, phân phối, nên khó khăn trong tối ưu tài chính.
Theo quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ 15/5 năm nay, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Tức là, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Trong khi đó, cơ cấu biểu giá điện đang được Bộ Công Thương rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp để tăng cạnh tranh trong ngành điện.
Minh Sơn