Điều này có nghĩa cứ khoảng 100.000 dân thì có 105,6 ca mắc ung thư mới, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tại Hội thảo Đối thoại chính sách "Ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong ra quyết định chi trả đối với thuốc điều trị ung thư" do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế phối hợp với AstraZeneca Việt Nam tổ chức hôm 23/8.
Gánh nặng tự chi trả phí điều trị của bệnh nhân Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư ở Việt Nam tăng khoảng 59,4%, số ca tử vong do ung thư tăng khoảng 70,3%.
Tại Việt Nam, ung thư là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ hai, sau các bệnh lý về tim mạch. Gánh nặng bệnh tật do ung thư chiếm 10% tổng gánh nặng bệnh tật, lớn nhất trong số các nước ASEAN.
Theo Thứ trưởng Thuấn, chi phí điều trị ung thư cũng là gánh nặng lớn đối với kinh tế, xã hội. Mức chi cho thuốc ung thư tại Việt nam năm 2023 là hơn 7.500 tỷ đồng, đứng hàng đầu trong tổng chi trả thuốc từ Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT).
"Từ phía bệnh nhân, gánh nặng chi tiền túi cho điều trị ung thư rất lớn. Việt Nam có tỷ lệ bệnh nhân ung thư phải chịu mức chi phí cao nhất trong các nước ASEAN, với 37,4% bệnh nhân rơi vào cảnh đói nghèo do phải chi trả phí điều trị ung thư quá lớn", ông nói.
Mặt khác, chi phí điều trị ung thư cũng là gánh nặng kinh tế lớn đối với toàn xã hội. Chi cho thuốc ung thư đứng hàng đầu trong tổng chi trả thuốc từ Quỹ BHYT. Từ phía bệnh nhân, gánh nặng chi tiền túi cho điều trị ung thư là rất lớn. Theo thống kê của Bệnh viện K, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng một năm. Bảo hiểm chi trả khoảng 52 triệu đồng và người bệnh phải tự chi trả khoảng 124 triệu đồng, chiếm 70% tổng chi phí điều trị.
Thực trạng này cho thấy sự cần thiết cho việc đưa ra các giải pháp chi trả bền vững và việc bổ sung thêm các thuốc điều trị ung thư vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả, nhằm giảm bớt gánh nặng chi tiền túi cho người bệnh ung thư, cân đối quỹ BHYT, đồng thời tăng khả năng tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến. Đánh giá công nghệ y tế là công cụ cần thiết
Theo ông Thuấn, hiện khoảng 93,5% dân số đã có BHYT, được thụ hưởng quyền lợi BHYT, được BHYT chi trả chi phí điều trị ung thư. Trong đó, thuốc ung thư là "cứu cánh" cho hàng trăm nghìn bệnh nhân và gia đình. Đến nay, có 69 thuốc điều trị ung thư trong danh mục thuốc được BHYT chi trả trên tổng số 1.037 thuốc của danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Thứ trưởng Thuấn nhận định, hiện Việt Nam có nhiều loại thuốc điều trị tiên tiến, thế hệ mới ra đời, hiệu quả điều trị cao đối với bệnh ung thư. Trong số các thuốc được đề xuất bổ sung vào danh mục BHYT chi trả, có nhiều thuốc ung thư hiệu quả tốt, song phát sinh chi phí cao, gây ảnh hưởng đến khả năng cân đối của quỹ. Vì vậy, ông Thuấn nhận định, ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong quyết định chi trả cho thuốc điều trị ung thư đóng vai trò quan trọng để đảm bảo hiệu quả sử dụng ngân sách BHYT, giúp người dân tiếp cận phương pháp điều trị hiện đại.
Đánh giá công nghệ y tế bao gồm các phân tích đa ngành và xác định giá trị của công nghệ y tế, tạo bằng chứng khoa học hỗ trợ cho việc ra quyết định lựa chọn công nghệ y tế phù hợp, đảm bảo sự công bằng, hiệu quả và chất lượng hoạt động của hệ thống y tế. "Trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế là công cụ hữu ích, cung cấp bằng chứng cho hoạch định chính sách, đặc biệt trong việc xem xét đưa các thuốc vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế", ông Thuấn nói.
Trong buổi hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược & Chính sách Y tế cũng cho rằng ứng dụng đánh giá công nghệ là công cụ quan trọng giúp cơ quan quản lý có thông tin, bằng chứng khoa học, xác đáng về nhiều phương diện, gồm hiệu quả điều trị, tính an toàn, tính chi phí - hiệu quả, khả năng tác động ngân sách quỹ BHYT.
Việc áp dụng đánh giá công nghệ phù hợp, hiệu quả tại Việt Nam giúp tối ưu hóa nguồn lực, đảm bảo người dân được tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến và hiệu quả, làm giảm gánh nặng bệnh ung thư cũng như tăng tính bền vững của hệ thống y tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia từ Australia và Thái Lan cũng chia sẻ kinh nghiệm về cách thức áp dụng đánh giá công nghệ y tế, nhằm tối ưu hóa quyết định chi trả, cân đối giữa chi phí và hiệu quả điều trị. Giải pháp được đưa ra bao gồm thiết lập quy trình riêng cho thuốc ung thư, áp dụng các mô hình chia sẻ rủi ro và thành lập quỹ riêng cho thuốc điều trị ung thư. Đây sẽ là cơ sở để cải thiện chính sách BHYT, nhằm đảm bảo tính bền vững của quỹ và sự tiếp cận của người bệnh với các phương pháp điều trị hiện đại.
Thục Linh