Sáng 27/5, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thông tin trên tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Con số này tăng so với năm 2019, khi tạp chí y khoa The Lancet công bố mỗi năm có khoảng 7,69 triệu người tử vong do hút thuốc lá. Ở Việt Nam, ít nhất 40.000 người đã bị thuốc lá lấy đi sinh mạng mỗi năm.
Theo thứ trưởng Thuấn, hút thuốc là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cũng như mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, hút thuốc cũng là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh như ung thư, tim mạch.
Sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất kinh tế, bao gồm chi tiêu cho hút thuốc; chi phí khám, điều trị bệnh; giảm sút hoặc mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% (2015) xuống 42,3% (2020). Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% năm 2015 xuống 13% năm 2020. Ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.
Tuy nhiên, nước ta vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc cao trên thế giới. Gần đây, cả nước xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các thuốc này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành, nhưng việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng.
Thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và hương vị rất hấp dẫn giới trẻ, dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
"Nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời, thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại", thứ trưởng nói, thêm rằng các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do sử dụng thuốc lá điện tử cũng nghiêm trọng không kém thuốc lá điếu.
Bên cạnh đó, thuốc lá được bán tràn lan, giá rẻ, thuế thấp cũng là nguyên nhân làm cho khả năng tiếp cận với các sản phẩm dễ dàng hơn và làm giảm hiệu quả của các nỗ lực cai nghiện thuốc lá.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.
Theo tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, để đạt được mục tiêu này, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Một ưu tiên rất cao là tăng thuế và giá vì giá thuốc lá ở Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất trên thế giới. Đồng thời, cần ngăn chặn, kiểm soát việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.
Lê Nga