Ông Dũng, 62 tuổi, ngụ huyện Dầu Tiếng, Bình Dương, được TAND Cấp cao tại TP HCM buộc VKSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường hơn 2,5 tỷ đồng, theo bản án có hiệu lực ngày 31/8/2022. Tuy nhiên, sau nhiều tháng yêu cầu thi hành án, hiện ông vẫn chưa được nhận tiền bồi thường oan sai.
Ông Dũng cho biết, đầu tháng 10 năm ngoái, ông liên hệ với VKSND tỉnh Tây Ninh để yêu cầu bồi thường theo bản án nhưng cơ quan này không tiếp nhận đơn, yêu cầu liên hệ cơ quan thi hành án để giải quyết theo trình tự, thủ tục. Ông gửi đơn đến Cục thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương, đã được cơ quan này tiếp nhận nhưng chấp hành viên chưa liên hệ để giải quyết.
Hôm 13/1, vợ chồng ông đến hỏi thì nhận được quyết định thi hành án đề ngày 14/10/2022. Chấp hành viên nói đã tống đạt quyết định này cho VKSND tỉnh Tây Ninh nhưng đến nay các bên vẫn chưa có buổi gặp mặt nào để thỏa thuận về việc thi hành án. VKS tỉnh Tây Ninh cũng chưa không có thông báo, trả lời về việc bao giờ sẽ thi hành án.
"Tôi là nông dân, không hiểu biết pháp luật, chỉ biết chờ đợi các cơ quan chức năng giải quyết. Phải mất hơn 35 năm tôi mới được minh oan, giờ lại phải chờ đợi để được bồi thường mà chưa biết đến bao giờ mới nhận được tiền", ông Dũng nói, bày tỏ mong muốn được giải quyết sớm để có tiền chữa bệnh và trang trải cuộc sống. Mới đây, ông đã nhờ luật sư - người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho ông trong thời gian qua, liên hệ với các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết.
Theo nội dung vụ án, khuya 26/7/1979, nhà máy xay lúa ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, xảy ra vụ cướp. Nửa tiếng sau, công an bắt được nghi can. Từ lời khai của người này, ông Nguyễn Văn Dũng cùng cha mẹ, chị gái và 4 người khác lần lượt bị bắt giam. Sau 4 năm, cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của họ nên trả tự do.
Quyết định đình chỉ điều tra được ban hành nhưng ông Dũng và những người trong gia đình không được nhận. Sau 35 năm gõ cửa các cơ quan tố tụng kêu cứu, tháng 4/2019, họ mới nhận được quyết định đình chỉ bị can và được giải oan.
VKSND tỉnh Tây Ninh lý giải rằng, các quyết định này đã bị "bỏ quên" và giờ mới tìm thấy. Cuối năm đó VKS tổ chức xin lỗi công khai nhưng bố của ông Dũng đã chết trước khi được minh oan.
Tháng 10/2020, VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường cho 6 người, mỗi người hơn một tỷ đồng. Riêng ông Dũng không đồng ý, yêu cầu cơ quan gây oan sai phải bồi thường 3,6 tỷ đồng bao gồm thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, chi phí kêu oan, mất thu nhập, mất tài sản... Do thương lượng không được nên ông Dũng khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Dương (nơi ông cư trú).
Hồi tháng 3/2022, TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm, cho rằng không có căn cứ chấp nhận việc ông Dũng yêu cầu VKS bồi thường 3,6 tỷ đồng. Theo quy định, mức bồi thường cho 1.386 ngày ông Dũng bị giam oan là hơn 700 triệu đồng, song VKS tự nguyện bồi thường hơn một tỷ đồng nên tòa nghi nhận. Từ đó, HĐXX tuyên ông Dũng được bồi thường số tiền này.
Không đồng ý, ông Dũng kháng cáo, yêu cầu VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường cho cả những ngày ông phải mang thân phận bị can, tổn thất sức khỏe, tinh thần.
Ngày 31/8/2022, TAND Cấp cao tại TP HCM đã chấp nhận một phần kháng cáo của ông, tuyên buộc VKSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường cho ông hơn 2,5 tỷ đồng.
Trả lời VnExpress, ông Đinh Hữu Tính (chấp hành viên Cục thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương, được phân công giải quyết vụ việc), cho biết sau khi nhận được đơn yêu cầu của ông Dũng đã liên hệ với VKSND tỉnh Tây Ninh đề nghị phương án thi hành. Tuy nhiên, do nguồn tiền để bồi thường lấy từ ngân sách nên VKSND Tây Ninh phải trình lên cấp trên phê duyệt, mất khá nhiều thời gian.
"Dự kiến sang tuần chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với VKSND tỉnh Tây Ninh để yêu cầu giải quyết nhanh vụ việc", ông Tính nói.
Hải Duyên