Sáng 11/11, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 81,9 - 85,4 triệu đồng một lượng, giảm 100.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán so với cuối tuần. Chênh lệch giá mua và bán hiện nới rộng lên 3,5 triệu đồng một lượng (động thái phòng tránh rủi ro thường thấy của các doanh nghiệp mỗi khi thị trường biến động mạnh).
Tại 4 ngân hàng quốc doanh, giá vàng miếng bán ra thị trường niêm yết tại 85,5 triệu đồng, cao hơn 100.000 đồng so với giá bán tại SJC.
Vàng nhẫn trơn hiện cũng giảm vài trăm nghìn đồng một lượng. SJC niêm yết giá nhẫn trơn 81,9 - 84,4 triệu đồng, giảm 100.000 đồng chiều mua và 500.000 đồng chiều bán. Chênh lệch mua bán nới rộng lên 2,5 triệu đồng.
Cùng lúc, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố nhẫn trơn tại 83,1 - 84,9 triệu đồng, giảm 300.000 đồng cả hai chiều mua bán. Còn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá nhẫn trơn là 83,05 - 84,95 triệu đồng.
Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng đầu tuần giảm 10-15 USD, xuống vùng 2.670 USD. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 81,9 triệu đồng một lượng. Hiện giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2,5 - 3,5 triệu đồng một lượng.
Chuyên gia nhận định pha điều chỉnh của thị trường là phản ứng "tạm thời" đối với việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ và giữ nguyên quan điểm ủng hộ giá vàng tăng trong thời gian tới.
Trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ hiện "vàng cũng là vấn đề đau đầu của thế giới". Bà thông tin, trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp, giá quốc tế mỗi ounce khoảng 2.300-2.400 USD, nhưng hiện đã tăng lên quanh mốc 2.700 USD. So với đầu năm, kim loại quý đã tăng hơn 50%.
Theo bà, Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường vàng để thu hẹp chênh lệch giữa giá trong nước, quốc tế, bởi khi nhu cầu người dân tăng cao như vừa qua đã xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng. Sau các biện pháp can thiệp, mức chênh giữa thị trường quốc tế và trong nước rút về còn 3-4 triệu đồng một lượng (trước đó có thời điểm chênh 18-20 triệu).
Tuy vậy, giá vàng chưa ổn định. Bà Hồng giải thích do nhiều yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới. Chưa kể, vàng cũng phụ thuộc nhiều biến số như lãi suất, tỷ giá, giá dầu trên thị trường quốc tế. Thống đốc khẳng định nhà điều hành theo dõi sát diễn biến thị trường và sẽ có giải pháp can thiệp khi cần thiết.
Cơ quan này cùng các bộ ngành đánh giá tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng và tham mưu, đề xuất Chính phủ giải pháp để xử lý tồn tại trên thị trường này.
Về lâu dài, Thống đốc nói quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa. Do đó, các chính sách đưa ra phải làm sao để vàng không còn là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ. Với nhu cầu vàng để tích lũy theo truyền thống, cơ quan quản lý đánh giá để có giải pháp cung ứng kim loại quý ra thị trường một cách phù hợp.
"Vàng có giá trị cao, giá lên xuống thất thường. Ngân hàng Nhà nước cảnh báo người dân, doanh nghiệp khi đầu tư vào kim loại quý cần thận trọng, tính toán phù hợp", bà chốt lại.
Quỳnh Trang