"Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ bên ngoài vào Việt Nam là rất lớn và hiện hữu", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, sáng 24/11. Chỉ riêng ngày 23/11, có 77 trường hợp nhập cảnh trái phép ở phía Bắc bị phát hiện. Trong khi đó, tại các khu cách ly xảy ra tình trạng lơ là, chểnh mảng trong giám sát, cách ly, đặc biệt là ở các khách sạn, lưu trú dân sự.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cũng cho rằng thủ đoạn nhập cảnh trái phép ngày càng tinh vi. Tình trạng người Việt Nam nhập cảnh trái phép, trốn cách ly khi về nước đang diễn biến phức tạp. Có trường hợp làm giả giấy tờ để kéo dài thời gian lưu trú tại Việt Nam hoặc lưu trú bất hợp pháp ở khách sạn, khu nhà trọ...
Một số lao động từ Lào về không muốn cách ly nên nhập cảnh trái phép qua các đường mòn lối mở. Một số lao động từ Brunei nhập cảnh qua tuyến đường biển, không khai báo y tế hay cách ly... "Họ liên lạc với nhau bằng sim rác sau đó thuê xe ôm, taxi để vận chuyển trái phép. Nhiều trường hợp trốn trong tàu hàng, tàu cá, container để vào Việt Nam", ông Mạnh nói.
Từ đầu năm tới nay, lực lượng biên phòng đã tổ chức trên 6.000 chốt đường mòn, lối mở, làm thủ tục nhập cảnh hơn 2,7 triệu người, phát hiện hơn 20.000 trường hợp nhập cảnh trái phép.
Ông Mạnh xác định cuộc chiến chống dịch còn lâu dài, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép dự báo gia tăng. Vì vậy, cần tổ chức chốt chặn, nghiêm tại các đường mòn, lối mở biên giới.
Theo Bộ trưởng Long, Việt Nam đã 81 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Trong khi đó tình hình thế giới căng thẳng, sự lây nhiễm Covid-19 không có xu hướng chậm lại.
"Quần thể nhiễm ở các nước rất cao nên việc phòng chống khó hơn rất nhiều. Hệ thống y tế Việt Nam nếu đặt trong bối cảnh giống như các nước hiện nay thì khó đáp ứng được nhu cầu điều trị", Bộ trưởng Y tế nói.
Bộ trưởng Long cũng cảnh báo về việc giám sát Covid-19 ở thực phẩm nhập khẩu. Thực phẩm đông lạnh từ nước có dịch nhập khẩu Việt Nam phải được xét nghiệm nCoV.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường năng lực xét nghiệm, song số mẫu xét nghiệm chỉ khoảng 4.000 một ngày. Con số này tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 7, song so với dịch cúm, viêm phổi, thì số mẫu xét nghiệm nCoV còn rất thấp.
"Bài học là xét nghiệm càng nhanh, phát hiện càng nhanh thì cách ly khoanh vùng dập dịch càng nhanh", ông Long nhấn mạnh. Bộ trưởng cho rằng phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, nếu không sẽ có tình trạng "lấy mẫu không kịp xét nghiệm" như bài học từng xảy ra tại Hà Nội.