Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng năng lực sản xuất Ethanol của các doanh nghiệp trên cả nước hiện đạt 535 triệu lít mỗi năm, và các doanh nghiệp đang chịu lỗ mỗi lít 434 đồng do phải đầu tư cải tạo, bổ sung thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ phân phối xăng E5 nhưng không được ưu đãi như các dự án sản xuất. "Nếu tình trạng này kéo dài thì lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống được Thủ tướng phê duyệt khó có thể thực hiện đúng thời gian quy định", lãnh đạo Bộ Công Thương lo ngại.

Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất đang chỉ hoạt động 65% công suất. Ảnh:Trí Tín.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết, cả nước hiện có khoảng 12.000 cửa hàng xăng dầu nhưng chỉ có 170 cửa hàng xăng dầu thuộc đơn vị này có bán xăng E5.
Còn theo ông Nguyễn Duyên Cường, Phó ban Thương mại - thị trường, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tổng sản lượng xăng nhiên liệu sinh học (xăng E5) do Petrovietnam cung cấp ra thị trường trong các năm qua chỉ khoảng 22.000m3 chỉ bằng 1,1% công suất sản xuất của một nhà máy Ethanol. Thực tế mới có 3 trong 10 doanh nghiệp đầu mối bán xăng E5.
Trong khi chờ lộ trình tiêu thụ xăng E5, các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thuộc Petrovietnam phải hoạt động cầm chừng, đồng thời tìm hướng xuất khẩu phần lớn sản phẩm với chi phí cao, giá thành thấp.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề xuất, Chính phủ cần có quy định điều kiện bắt buộc đối với các đầu mối và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải tham gia kinh doanh xăng sinh học vào Nghị định 84 sửa đổi trước khi ban hành. Đồng thời đề nghị có quy định buộc tất cả các loại xăng phân phối trên thị trường có tỷ lệ phối trộn 5% Ethanol.
Trí Tín