Thông tin được ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Thống kê TP HCM cho biết tại Hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, sáng 26/12.
Theo ông Hoàng, với diện tích của thành phố là 2.095 km2, giá trị tăng thêm từ các hoạt động kinh tế được tạo ra trên mỗi km2 là gần 848,7 tỷ đồng. Con số này năm 2023 là 773,6 tỷ đồng.
Giá trị tăng thêm của thành phố năm nay nằm ở các thành phần gồm: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm ước đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,7%; thu từ du lịch ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp ước đạt hơn 19.900 tỷ đồng, tăng 0,2%...
Giá trị tăng thêm (Value Added) là phần giá trị kinh tế được tạo ra bởi các hoạt động kinh tế trên địa bàn TP HCM trong mỗi km2. Con số này thường bao gồm giá trị sản xuất sau khi trừ đi chi phí đầu vào, thể hiện mức độ đóng góp thực tế của từng km2 vào nền kinh tế địa phương.
So với các địa phương, mỗi km2 ở TP HCM tạo ra giá trị tăng thêm cao hơn. Ví dụ năm 2022, chỉ số này ở TP HCM là 706 tỷ đồng, Hà Nội là 356,2 tỷ đồng, Hải Phòng 234 tỷ đồng, Đà Nẵng là 158 tỷ đồng, Cần Thơ là 127 tỷ đồng.
Điều này, cho thấy TP HCM là trung tâm kinh tế lớn, sôi động, tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ. Chỉ số này phản ánh cường độ kinh tế rất cao trên một đơn vị diện tích ở thành phố cũng như vai trò đầu tàu kinh tế cả nước. Nhà đầu tư cũng có thể tham khảo để đánh giá tiềm năng phát triển, giá trị tạo ra ở TP HCM.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Dương Ngọc Hải cho rằng điểm sáng nổi bật là giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh và cuối năm và thu ngân sách trên địa bàn vượt 105%, đạt hơn 508.550 tỷ đồng.
Năm 2024, thành phố được giao giải ngân hơn 79.263 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng gần 2,5 lần so với năm 2021 và nhiều hơn bất kỳ năm nào trước đây. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP HCM, đến hết ngày 25/12, tổng số vốn giải ngân đầu tư công trên địa bàn đạt khoảng 51.200/79.200 tỷ đồng, ước tính tỷ lệ 64,7%. Đây là sự nỗ lực của toàn thành phố khi trong khoảng 18 ngày (từ 7-12), TP HCM đã giải ngân thêm hơn 30%, tức cứ 4-5 ngày, thành phố giải ngân thêm 10%.
Thành phố phấn đấu giải ngân đến hết tháng 12 đạt tỷ lệ 76,9%, đến hết niên độ kế hoạch năm 2024 (tháng 1/2025) giải ngân đạt 64.528 tỷ đồng, tỷ lệ 81,4%.
TP HCM xác định chủ đề năm tới là: tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, Nghị quyết 98; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của thành phố. Thành phố đề ra 31 chỉ tiêu thành phần kinh tế - xã hội trong năm 2025. Đáng chú ý là chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 10%.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, UBND TP HCM đề ra 9 nhóm giải pháp. Trước hết, tập trung thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, đạt kết quả cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch giai đoạn 2021-2025; chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV...
Đồng thời, thành phố tiếp tục triển khai một số đề án, chương trình, dự án trọng tâm, mang tính đột phá, như: đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Vành đai 2, 3, 4; đề án chống ngập và xử lý nước thải TP HCM...
An Phương