Tôi không nhớ rõ đó là tết năm nào, chỉ biết hồi đó còn học cấp một. Mẹ bán hàng ở chợ, thường xuyên có người mua nợ. Có một gia đình xin khất đến cuối năm mà mãi không trả. Mẹ tôi rủ bà Châu, hàng xóm, hai chị em mang cái bì tải đi xúc lúa để trừ nợ. Ở quê, chuyện hẹn hò trả nợ bằng lạc hay lúa vẫn thường xảy ra.
Sau một lúc, hai bà trở về mà bì tải vẫn trống rỗng. Khi được hỏi, bà Châu mới kể. Họ vào nhà đúng bữa trưa. Sáu người, gồm bố mẹ và bốn đứa con nheo nhóc, đang ngồi ăn cơm. Hai bà vào chưa kịp hỏi gì thì đã thấy nồi cơm trắng, nồi canh rau, một bát muối. Cứ vậy, họ xúc cơm, chan canh, chấm muối mà ăn. Hai bà chảy nước mắt, không còn tâm trạng nào để đòi nợ. Rồi họ quay ra hàng tạp hóa đầu xóm, mua chục cái bánh mì và mấy gói mì tôm, đưa cho mấy đứa nhỏ. Họ nói với bà mẹ rằng khi nào có tiền trả sau. Hai người phụ nữ lúc trước còn hùng hổ giờ đây trở về với gương mặt đỏ ửng, vừa kể chuyện vừa toan khóc.
Một tuần trước, một thầy giáo ở Gia Lai nhắn tin cho nhóm, bảo rằng thương quá, cô học trò cũ chỉ học hết cấp một, vừa lên lớp sáu đã nghỉ học. Mẹ bỏ em từ bé, hai bố con nương rẫy nuôi nhau. Hôm trước, bố em bị chó dại cắn chết. Giờ em còn chưa biết ở với ai, ăn gì, ở đâu nên bỏ học. Thầy xin phép dùng một phần quỹ từ thiện để hỗ trợ em. Trước đó vài tháng, thầy cũng kêu gọi xây nhà cho ba em bé mồ côi. Mẹ mất sớm, cha bất lực và đã treo cổ tự vẫn trong chính ngôi nhà của mình.
Theo tục lệ, bà con phá ngôi nhà "bị ma ám" ấy đi. Ba đứa trẻ giờ chẳng còn nơi nào để ở, phải tách về ba nhà họ hàng, không ai nuôi nổi cả ba. Cô bé lớn học lớp 8 thì tâm sự với thầy rằng rất nhớ và thương các em. Thầy thương trò, chạy ngược xuôi xin tài trợ để xây cho trò một căn nhà cấp 4 đơn sơ. Dân làng không cho xây ở đất cũ, nên họ phải kiếm một miếng đất hoang để dựng nhà cho ba chị em. Người chị lớn vừa đi học, vừa lên rẫy, vừa làm mẹ và cha cho hai em. Thật khó có từ nào diễn tả nỗi đau của họ.
Hôm qua, tôi thấy bức ảnh một người đàn ông ngồi dưới chân cầu Giát (Quỳnh Lưu - Nghệ An), bên cạnh là mấy chiếc rế, chiếc áo khoác cũ không đủ che gió lạnh và mưa phùn. Tôi cảm giác như ông đã ngồi đó từ thế kỷ trước. Bất chợt nhớ về hình ảnh ông đồ xưa trong thơ Vũ Đình Liên, cả hai đều lạc lõng và đáng thương. Cuối năm, lẽ ra tôi phải nghĩ về những điều tươi mới nhưng mỗi khi tết đến lại ám ảnh bởi những mảnh đời bất hạnh. Những mảnh đời ấy, đôi khi chỉ lướt qua câu chuyện, bức ảnh, khiến tôi buồn và cảm thấy nợ cuộc đời này nhiều lắm.
Tết đã về, nhưng với nhiều người, mùa xuân vẫn chưa tới. Chưa tới với gia đình ăn cơm với muối, với cô bé vừa làm mẹ vừa làm chị lại vừa làm cha; chưa tới với cô học trò vừa mất cha, vừa thất học; chưa tới với người đan rế ngồi dưới chân cầu Giát. Với họ, Tết về nhưng xuân không tới.
Thuận Thiên