Lượng công ty chứng khoán thành viên của TTGDCK TP HCM giờ đã vượt qua con số 50, với khoảng 100 sàn đang hoạt động. Một số công ty nhỏ thổ lộ, nhân cơ hội thị trường bùng nổ cuối năm ngoái và đầu năm nay, cùng với tình trạng nghẽn lệnh liên tục xảy ra tại nhiều công ty lớn, họ lập tức nhảy vào cuộc nhằm hút lấy lượng khách đang ào ạt đổ vào.
Thời điểm cuối 2006 đầu 2007, nhiều công ty chứng khoán mới thành lập cứ lẳng lặng khai trương hoạt động, chẳng cần làm lễ công bố mà vẫn đông khách. Nay, sàn nào cũng phải cố gắng tổ chức lễ khai trương hoành tráng. Nhiều sàn đã hoạt động từ 2-3 tháng trước, nay lại mời quan khách, báo chí đến dự lễ khai trương. Các công ty còn đua nhau khuyến mãi, tặng quà trong ngày khai trương chi nhánh, phòng giao dịch. Sau đó là môi giới tận tình, khách chỉ cần đưa ra yêu cầu lập tức có người hướng dẫn từ A đến Z. Ví như PSC áp dụng phí ưu đãi 0,15% và tặng quà giá trị cho khách trong dịp khai trương. Tại sàn giao dịch của Công ty cổ phần chứng khoán Cao Su, khách mới hỏi thủ tục mở tài khoản đã được một nhân viên chăm sóc tận nơi, giúp photo chứng minh thư, hướng dẫn điền vào tờ hợp đồng và chỉ chỗ nộp tiền, quy trình nghiệp vụ tiếp theo được thực hiện nhanh gọn trong vòng vài phút.
![]() |
Nhiều sàn chu đáo để nước uống phục vụ nhà đầu tư - chuyện trước đây khó thấy. Ảnh: H.H. |
Cơ hội lựa chọn nhiều hơn nhưng nhiều nhà đầu tư mới vẫn có thói quen chọn sàn có tên tuổi. Bằng chứng là số tài khoản mới mở tại các công ty chứng khoán lớn như SSI, BSC, VCBS, ACBS vẫn tăng đều đặn ngay cả trong giai đoạn thị trường chìm lắng. Theo bà Lê Hải Đường, Trưởng phòng môi giới BSC, tháng 3 vừa rồi, công ty có 1.000 tài khoản mới, tháng 4 cũng đạt con số xấp xỉ. Trong khi đó, Công ty chứng khoán Tầm Nhìn (Horizon) khai trương hồi giữa tháng 4, hiện số tài khoản mới đạt khoảng 300.
Với các nhà đầu tư kỳ cựu lại rất ngại đóng tài khoản để dời sang sàn khác bởi thủ tục khá nhiêu khê. Vì thế cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán trong lĩnh vực môi giới vẫn chủ yếu dừng ở việc thu hút khách hàng mới. Bốn đại gia là Công ty chứng khoán Sài Gòn, Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư Phát triển VN và chứng khoán Ngân hàng ACB nắm tới gần 80% thị phần do vậy cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán mới càng quyết liệt.
![]() |
Nhà đầu tư vẫn chen nhau đến những sàn có tên tuổi. Ảnh: A.H. |
Một cổ đông của Công ty Chứng khoán Sài Gòn tỏ ra lo lắng khi thị trường có thêm nhiều tay chơi mới. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Duy Hưng cho rằng việc xuất hiện nhiều công ty chứng khoán mới không mấy ảnh hưởng đến công ty, chưa kể đây lại là cơ hội tốt để một vài năm nữa công ty có nhiều lựa chọn hơn nếu muốn mua lại các doanh nghiệp nhỏ.
Ít cơ hội cho kẻ đến sau, song làn sóng lập công ty chứng khoán mới vẫn tiếp nối. Mùa đại hội cổ đông qua đi, hàng loạt doanh nghiệp thông qua kế hoạch nhảy vào lĩnh vực tài chính và thành lập công ty chứng khoán như Nhiệt điện Phả Lại, Hanaka, Vincom, Minh Phú, Techcombank, Bảo Minh... Theo bà Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc điều hành VNDirect, cạnh tranh khắc nghiệt buộc các công ty chứng khoán phải nâng cao chất lượng phục vụ để giữ chân và thu hút thêm "thượng đế" song sau một vài năm khi thị trường đi vào ổn định nhiều công ty nhỏ khó tồn tại. Ở các nơi như Thái Lan, Đài Loan cũng có những giai đoạn xuất hiện ồ ạt công ty chứng khoán, sau đó có nhiều vụ sáp nhập để hình thành nên các công ty lớn hơn.
V.P. - A.H.