Lịch trình ngủ và thức của mỗi người thay đổi nhiều theo độ tuổi. Thanh thiếu niên thường xuyên ngủ muộn và đôi khi có nhiều năng lượng vào ban đêm, trong khi đó người cao tuổi ngủ và dậy sớm, với thời gian ngủ ngắn hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết việc chủ động sắp xếp lịch trình ngủ khoa học, kiểm soát thời lượng ngủ của của bản thân giúp tăng cường sức khỏe. Bên cạnh đó, mỗi độ tuổi, con người cần ngủ một số giờ khác nhau.
Trẻ sơ sinh
Trong những năm đầu đời, trẻ sơ sinh tăng gấp ba lần trọng lượng cơ thể. Nghỉ ngơi đầy đủ hỗ trợ cho quá trình này, vì hormone tăng trưởng được giải phóng hàng loạt trong giấc ngủ sâu. Từ khi sinh ra đến 3 tháng, trẻ sơ sinh nên ngủ 14 đến 17 giờ mỗi ngày để phát triển cân bằng giữa thể chất và nhận thức.
Tiến sĩ Yi Cai, giám đốc khoa phẫu thuật giấc ngủ tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia, cho biết: "Có rất nhiều điểm kết nối thần kinh được hình thành ở giai đoạn này, rất nhiều kiến thức trẻ thu nạp được. Mọi thứ đều mới mẻ, đó là động lực chính thúc đẩy nhu cầu ngủ ở độ tuổi đó".
Từ 4 đến 12 tháng, trẻ sơ sinh bắt đầu ngủ ít hơn, vì chúng dần thích nghi với nhịp sinh học thông thường.
Trẻ từ 1 đến 3 tuổi
Nhu cầu ngủ tiếp tục giảm khi trẻ bước vào giai đoạn chập chức biết đi và tốc độ tăng trưởng chậm lại. Trẻ cần ngủ 11-14 giờ khi một đến hai tuổi, 10-13 giờ từ ba đến 5 tuổi.
Theo National Sleep Foundation, đến 18 tháng tuổi, hầu hết trẻ mới biết đi ngủ trưa một lần một ngày, kéo dài từ một đến ba giờ. Từ ba tuổi trở đi, nhu cầu ngủ trưa khác nhau ở mỗi trẻ, một số trẻ thậm chí không ngủ trưa.
Joshua Tal, một nhà tâm lý học về giấc ngủ và sức khỏe tại New York, cho biết: "Có một số em nhỏ bỏ giấc ngủ trưa sớm hơn nhiều so với những trẻ khác, vì ngủ trưa làm chúng thức vào ban đêm".
Thanh thiếu niên
Từ 6 đến 12 tuổi, nhu cầu ngủ trưa của thanh thiếu niên không còn nữa, các em cũng ngủ khoảng 9 đến 12 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, ở độ tuổi dậy thì, trẻ có nhu cầu rất khác biệt.
Chuyên gia khuyến cáo thanh thiếu niên ngủ từ 8 đến 10 tiếng mỗi đêm. Những người không ngủ đủ giấc sẽ gặp tình trạng chậm nhịp sinh học, melatonin tiết ra muộn hơn và mức độ tỉnh táo cao hơn vào buổi tối. Điều này khiến họ đi ngủ và thức dậy muộn, đôi khi gặp trạng thái uể oải vào buổi sáng.
"Nhiều bạn trẻ ngủ trễ. Đó là lý do họ khó dậy sớm đi học vào buổi sáng. Họ không ngủ đủ giấc để dậy đúng giờ đến trường, sau đó họ cần ngủ bù vào ban ngày khi đi học về", tiến sĩ Cai giải thích.
Nghiên cứu cho thấy những thanh thiếu niên thường xuyên ngủ trưa từ 30 đến 60 phút mỗi ngày có khả năng lý luận phi ngôn ngữ, khả năng tập trung và trí nhớ không gian tốt hơn. Do đó, giải pháp cho tình trạng thiếu ngủ vào ban đêm là ngủ trưa một giấc ngắn.
Người trưởng thành
Khi đạt đến độ tuổi trưởng thành, cơ thể người vào "chế độ duy trì". Ở giai đoạn này, nhu cầu ngủ giảm. Thời gian ngủ lý tưởng đối với người trưởng thành là 7 đến 8 giờ mỗi đêm. Nếu ngủ nhiều hơn, tiến sĩ Tal cảnh báo bạn có thể bị rối loạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ và nên đến bác sĩ để khám.
Nghiên cứu cho thấy việc đi ngủ trước 1h sáng có thể làm giảm nguy cơ mắc các tình trạng về tâm thần và hành vi như trầm cảm, lo âu. Đối với những người muốn cải thiện chất lượng giấc ngủ, các chuyên gia khuyến nghị tập thể dục nhẹ nhàng buổi tối và áp dụng chế độ ăn nhiều trái cây, rau.
Việc ngủ bù vào cuối tuần cũng có thể giảm nguy cơ đau tim. Trong khi đó, ngủ trưa giúp cải thiện khả năng sáng tạo.
Người cao tuổi
Sau 65 tuổi, việc sản xuất và giải phóng melatonin giảm đi. Vì vậy, thời lượng ngủ của người cao tuổi ngắn, giấc ngủ nông hơn. Khi cơ thể già đi, việc tiểu tiện ban đêm trở nên thường xuyên, làm gián đoạn giấc ngủ.
Tuổi cao cũng khiến nhịp sinh học đảo lộn, khiến nhiều người muốn đi ngủ và thức dậy sớm hơn bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng người cao tuổi vẫn nên ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.
Thục Linh (Theo NY Post)