Khi hành khách đổ bộ vào sân bay quốc tế Philadelphia vào một buổi sáng đầu tháng 2, LaShanda Palmer, 45 tuổi, nhân viên cấp cao của Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA), cùng 40 đồng nghiệp khác phải kiểm tra giấy tờ, hành lý và rà soát của tất cả những người qua cửa an ninh. Xét đến số lượng khổng lồ người mà Palmer tiếp xúc, cô phải vượt qua nỗi lo lắng về một mối đe dọa bản thân không thể nhìn thấy hay cảm nhận về nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19.
Palmer đã nhiễm nCoV chỉ vài tuần sau khi Covid-19 bùng phát. Cô xuất hiện các triệu chứng ho, khó thở, sốt cao... đến nỗi các bác sĩ yêu cầu nhập viện. "Quá nhiều người chết trong bệnh viện lúc đó, nên tôi từ chối. Nhưng các triệu chứng ngày càng nặng hơn, đến mức tôi nghĩ mình sẽ chết ở nhà. Tôi không thể thở, tim đập nhanh và tôi sợ đến mức không dám ngủ vì nghĩ có thể mình không thức dậy nữa", cô nói.
Palmer chỉ là một trong số 120 nhân viên TSA tại sân bay Philadelphia bị bệnh. Ca mắc gần nhất là một nhân viên an ninh, được chẩn đoán vào ngày 27/1. Một số sân bay đông đúc đón hàng triệu hành khách tại Mỹ như Los Angeles International ghi nhận 423 ca nhiễm là nhân viên TSA, Dallas-Fort Worth với 213 ca, Chicago O'Hare với 239 ca... Tuy nhiên, đại dịch dường như bỏ qua một số sân bay như Nome ở bang Alaska, nơi mới chỉ ghi nhận một nhân viên nhiễm bệnh; hay sân bay Muskegon County thuộc bang Michigan với hai ca.
Từ khi đại dịch xảy ra, hơn 6.000 nhân viên TSA trên tổng số hơn 50.000 đã có kết quả dương tính với nCoV, 14 người trong số họ đã chết. Các nhân viên làm việc trong tuyến đầu mô tả tình hình hình mình phải đối mặt như hiện tại là do các biện pháp an toàn lỏng lẻo của TSA.
Vào tháng 3, thời điểm người Mỹ đang được khuyến khích hạn chế tiếp xúc với người khác và duy trì khoảng cách ít nhất 2 m, các nhân viên TSA hàng ngày vẫn phải sàng lọc hàng trăm, hàng nghìn khách mỗi ngày. Trong những ngày đầu của đại dịch, nhiều nhân viên làm nhiệm vụ soi chiếu hành khách và hành trước khi lên máy bay cho biết họ không được cung cấp đồ bảo hộ, khẩu trang. Và họ cũng phải làm việc tại các điểm kiểm tra quá đông, nơi không thể thực hiện giãn cách xã hội. Ngay cả khi đồ bảo hộ đã có, nhân viên TSA vẫn không bắt buộc phải dùng nếu sân bay nơi họ làm việc không yêu cầu.
"Tháng 3 năm ngoái, chúng tôi đã nghe tin tức về Covid-19 và biết dịch bệnh lan tới nước Mỹ. Nhưng mọi việc ở sân bay khi đó vẫn diễn ra bình thường. Chúng tôi không đeo khẩu trang hay thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào", Ro Del Valle, một nhân viên TSA 37 tuổi tại sân bay Newark, cho biết. Valle là một trong những nhân viên TSA đầu tiên nhiễm nCoV hồi giữa tháng 3/2020. Trước khi phát bệnh, Valle đã tiếp xúc với hàng chục đồng nghiệp khác suốt ngày.
Ban lãnh đạo TSA cho biết họ đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để tăng cường sức khỏe và an toàn cho lực lượng lao động và hành khách. Một trong số đó là yêu cầu vệ sinh các thiết bị, đeo khẩu trang, găng tay, kính bảo vệ mắt... Các nhân viên cũng được xét nghiệm nCoV thường xuyên. Họ cũng tiến hành truy vết những người tiếp xúc với nhân viên nhiễm bệnh và những người khác có thể tiếp xúc để cách ly.
Phát ngôn viên của TSA nói rằng phần lớn các nhân viên lây bệnh từ môi trường bên ngoài, không phải tại sân bay, dựa trên thông tin khai báo từ các nhân viên bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, Bobby Orozco Jr., phó chủ tịch khu vực của Liên đoàn Nhân viên Chính phủ Mỹ (AFGE), bày tỏ nghi ngờ về thông báo trên. Ông cho rằng kết luận nhân viên bị lây bệnh ngoài môi trường làm việc là điều không thể chứng minh được. Ông tin rằng TSA đang cố gắng thuyết phục nhân viên rằng họ không bị lây bệnh ở sân bay: "Theo tôi, đây gần như sự ép buộc. Thực sự không có cách nào biết thực sự bạn nhiễm virus ngay tại nơi làm việc hay ở nhà".
Ban đầu, khi hoạt động đi lại giảm tới hơn 90% vào tháng 3/2020, các nhân viên cảm thấy nhẹ nhõm vì ca làm việc được rút ngắn. Điều này cho phép họ có thể duy trì khoảng cách an toàn hơn với đồng nghiệp. Tuy nhien, với dự đoán sẽ có nhiều người đi du lịch hơn trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh, đội ngũ nhân viên lại được yêu cầu đi làm đầy đủ, dù lượng hành khách vẫn ít.
Một trong những vấn đề lớn nhất là thiếu quy định chung đối với hành khách đi máy bay, vì mỗi sân bay có một tiêu chuẩn riêng. Nhiều sân bay hoạt động trong nhiều tháng mà không yêu cầu khách đeo khẩu trang. Philadelphia là một ví dụ cho đến tháng 10/2020. Trước đó, rất nhiều người từ chối đeo khẩu trang tại sân bay, cho đến khi điều đó trở thành bắt buộc. Thậm chí, nhiều người sau đó đã không đeo khẩu trang đúng cách.
Giờ đây, nhiều nhân viên an ninh sân bay bắt đầu lo ngại về biến thể mới của Covid-19 xâm nhập vào Mỹ. Họ đang yêu cầu giảm giờ làm, được xét nghiệm nCoV hàng tuần để phát hiện ra các ca dương tính nhanh hơn. Phía lãnh đạo TSA cho biết họ đã tuân theo các khuyến nghị từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng như lên chính sách cho nhân viên sớm tiếp cận với vaccine, được nghỉ phép nếu cảm thấy ốm hoặc bị nhiễm bệnh...
Ngoài yêu cầu làm sạch các thiết bị làm việc mỗi ngày, nhân viên phải đeo khẩu trang, găng tay hoặc tấm nhựa che mặt. Khi tổng thống Biden yêu cầu du khách đeo khẩu trang tại sân bay, trên máy bay và các nơi công cộng, thì việc đeo khẩu trang vẫn chưa phải là điều bắt buộc đối với toàn bộ người Mỹ. Thay vào đó, các cơ quan quản lý sân bay từng khu vực đặt ra các quy định riêng của mình, mỗi nơi một khác.
Anh Minh (Theo New York Times)