Chúng em không thể nói chuyện một cách hòa hợp. Lúc nào cũng cãi nhau. Trong những lúc chồng em nóng, anh đã chửi và lăng mạ em. Hai lần anh ấy đánh em, sau đó anh có xin lỗi nhưng em vẫn tổn thương nặng nề. Nỗi đau thể xác không là gì với nỗi đau tinh thần hằng ngày em phải chịu vì áp lực từ chồng.
Hiện nay em đang có dấu hiệu là sợ hãi và run mỗi lần anh ấy nổi nóng. Em sợ anh ấy lại đánh em. Em cũng không thể để ba mẹ em biết vì sợ họ lo lắng, buồn phiền. Ngoài ra, chồng em còn đam mê bài bạc nữa, vợ chồng em cãi nhau về chuyện anh ấy đánh bạc là thường xuyên. Em thấy mình cô đơn, lạc lõng trong chính cuộc hôn nhân này. Em không cảm nhận được sự yêu thương từ chồng mà chỉ là sự ghét bỏ và lúc nào cũng lo sợ bị đánh. Bây giờ em phải làm sao? Xin giúp em. (Xuyên)

Ảnh: express.
Trả lời
Thời gian đầu của hôn nhân thường là giai đoạn khó khăn cho các cặp vợ chồng trẻ khi phải đối diện và giải quyết những mâu thuẫn, xung đột do sự khác biệt giữa hai người trong quá trình sống chung. Cách nhìn và thái độ ứng xử của mỗi người sẽ quyết định đến sự bền vững của hôn nhân.
Vợ chồng em đang có những bất hòa, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ngày càng làm cho tình cảm vợ chồng thêm rạn nứt. Đời sống hôn nhân không thể tránh những lúc vợ chồng va chạm, xích mích. Điều quan trọng là em phải bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết những bất đồng đang tồn đọng giữa hai vợ chồng.
Trước mắt em nên dành thời gian nhìn lại xem vợ chồng có những khúc mắc gì chưa được giải quyết, những vấn đề mà vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, thái độ cũng như cách xử sự của em như vậy đã đúng chưa… Trước khi nghĩ đến việc thuyết phục chồng thay đổi, bản thân em hãy chủ động đổi thay trước vì nếu ai cũng cố chấp, đổ lỗi cho nhau thì rất khó để chung sống với nhau lâu dài.
Sau đó, em hãy có cuộc đối thoại thẳng thắn và thiện chí với chồng để cả hai nhận ra và có sự điều chỉnh cho phù hợp. Còn việc chồng bạo hành và cờ bạc, em không được nhân nhượng mà cần cương quyết yêu cầu chồng từ bỏ vì đây là hành vi và thói quen rất không tốt cho cuộc sống vợ chồng sau này. Em không thể có cuộc sống an toàn và hạnh phúc bên người chồng như vậy.
Dù sao vợ chồng em mới chung sống với nhau một thời gian nên chắc chắn sẽ có những bỡ ngỡ, lúng túng nhất định. Sự khác biệt này là cần thiết để mỗi người biết từ bỏ cái tôi, sự ích kỉ của bản thân để có thể chung sống hòa hợp với nhau dưới một mái nhà. Em hãy cứ cố gắng thay đổi và vun vén nếu hết sức mà thấy không khả quan thì hãy buông tay.
Chúc em bình an và mạnh mẽ.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Đăng Thảo
Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật