Từ ngày 26/6 đến 17/12, chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" do giáo sư Trần Thanh Vân khởi xướng từ năm 1993 sẽ diễn ra tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Tham dự có nhiều nhà khoa học danh tiếng, trong đó có 6 giáo sư đạt giải Nobel. Đây là cơ hội quý báu để giới trẻ Việt Nam học hỏi và nuôi dưỡng đam mê.
"Mời được các nhà khoa học Nobel khó lắm, nhưng vì mối quan hệ tình nghĩa với vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân nên họ đã nhận lời đến Việt Nam", ông Trần Thanh Sơn, thư ký của giáo sư Trần Thanh Vân cho biết.
Từ năm 1996 đến nay, giáo sư Trần Thanh Vân đã đưa các nhà vật lý đến gần nhau hơn qua "Gặp gỡ Moriond" - hội nghị quốc tế thường niên về vật lý và thiên văn diễn ra ở thành phố Blois, miền Trung nước Pháp. Tại đây, giới khoa học hàng đầu từ nhiều quốc gia sẽ giới thiệu và trao đổi về nghiên cứu mới.
Nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel từng tham dự sự kiện trên khi còn trẻ. Đến đây họ có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà khoa học lớn và phát triển sự nghiệp. Trong đó, nhiều nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ chưa có danh tiếng đã thành danh nhờ những lần gặp gỡ như vậy.
"21 giáo sư Nobel toàn thế giới đã thành công thông qua hội nghị gặp gỡ do giáo sư Vân tổ chức. Vì mối quan hệ này mà khi giáo sư mời đến Việt Nam họ đều sẵn sàng. Đến Việt Nam như lời cảm ơn vì đã giúp đỡ khi họ chưa thành danh", ông Sơn nói.
"Giáo sư Nobel vật lý 2015 Takaaki Kajita khi mới 28 tuổi đã được giáo sư Vân tài trợ kinh phí và mời tham gia sự kiện gặp gỡ Moriond tại Pháp. Vì vậy công trình của giáo sư người Nhật mới được biết đến", ông Sơn nói và cho biết sắp tới giáo sư này cũng có mặt ở Việt Nam.
Giáo sư người Mỹ Jack Steinberger (Nobel Vật lý năm 1988) từng viết thư gửi cho giáo sư Vân khi được mời tham gia "Gặp gỡ Việt Nam" năm 2013: "Cảm ơn ông về lời mời dự hội nghị, tôi vui lòng nhận lời. Tôi đánh giá rất cao những gì ông đã làm cho lĩnh vực vật lý của chúng ta và những gì ông đang làm để xây dựng ngành vật lý ở nước ông". Hầu hết nhà khoa học Nobel đều đồng ý đến Việt Nam cùng lời cảm ơn và bày tỏ sự mến mộ với giáo sư Vân.
Giáo sư Trần Thanh Vân từng chia sẻ với báo chí về mối quan hệ thân tình trên: "Tôi có 50 năm đồng hành cùng nhiều bạn trẻ, nay đều là nhà khoa học và giáo sư đạt giải Nobel trên thế giới. Vì tình nghĩa đó mà Bình Định sẽ có nhiều cuộc hội ngộ khoa học đỉnh cao".
Cho rằng việc tập hợp hàng trăm nhà khoa học ở nhiều nước là điều không dễ, nên giáo sư Vân mong các sinh viên, giảng viên, các bạn trẻ ở Việt Nam hãy tận dụng cơ hội này để bổ sung vốn kiến thức cho bản thân.
Giáo sư Trần Thanh Vân, còn gọi là Jean Trần Thanh Vân, người Pháp gốc Việt. Năm 1953, khi mới 16 tuổi ông đã rời quê hương Quảng Bình đến Pháp du học. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, ông trở thành bậc thầy trong lĩnh vực lý thuyết vật lý nguyên tử. Năm 2012, ông là một trong ba người châu Á được tặng Huy chương Tate của Hội vật lý Mỹ. Trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công của Gặp gỡ Moriond (46 năm) và Gặp gỡ Blois (22 năm), năm 1993 giáo sư Trần Thanh Vân đã sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhằm hỗ trợ quê hương trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Năm 2013, ước mơ ấp ủ 50 năm của ông đã được thực hiện - Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE) được khánh thành nhằm giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ châu Á hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế. |
Phạm Hương