Theo Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos, module Nauka đã cập bến phân đoạn quỹ đạo của nước này trên ISS vào lúc 20h29 ngày 29/7 theo giờ Hà Nội, đánh dấu sứ mệnh thành công sau gần 14 năm chờ đợi. Đây là dự án phòng thí nghiệm không gian lớn nhất của Nga ấp ủ từ năm 2007 nhưng bị trì hoãn cho đến nay do một loạt vấn đề kỹ thuật.
Nauka được phóng lên vào ngày 21/7 từ sân bay vũ trụ Baikonur Cosmodrome ở Kazakhstan bằng tên lửa Proton-M của Nga. Chuyến bay kéo dài 8 ngày, tạo thời gian cho các kiểm soát viên kiểm tra ăng-ten liên lạc và hệ thống ghép nối tự động. Chỉ khi xác nhận mọi thứ hoạt động tốt, vào hôm 26/7, Roscosmos mới tiến hành loại bỏ module cũ Pirs khỏi ISS để dọn đường đón Nauka.
Với chiều dài hơn 13 m, đường kính 4,3 m và nặng tới 22 tấn, phòng thí nghiệm đa năng mới sẽ mở rộng đáng kể phân đoạn quỹ đạo của Nga. Nó chứa các cơ sở nghiên cứu, nhà vệ sinh, hệ thống tái tạo oxy, thiết bị tái chế nước tiểu và giường dự phòng cho phi hành gia.
"Module cũng cung cấp khả năng kiểm soát trục cho Trạm Vũ trụ Quốc tế và vận chuyển thuốc phóng giữa các tàu vận tải Progress trong tương lai. Bên cạnh đó, nó đóng vai trò như một bến đỗ để ghép nối các phương tiện và linh kiện mới, giúp mở rộng hơn nữa phân đoạn quỹ đạo Nga trên ISS", bình luận viên Rob Navias của NASA cho hay.
Sứ mệnh Nauka còn mang theo Cánh tay robot châu Âu (ERA), một thiết bị khổng lồ do công ty hàng không Airbus chế tạo cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Nó có thể lắp đặt các bộ phận có khối lượng lên tới 8.000 kg bên ngoài ISS và vận chuyển phi hành gia từ địa điểm làm việc này sang địa điểm làm việc khác trong các chuyến đi bộ ngoài không gian.
Trạm Vũ trụ Quốc tế hiện có tổng cộng 14 module điều áp và 5 trong số đó thuộc về phân đoạn quỹ đạo Nga, bao gồm phòng thí nghiệm đa năng Nauka, hai module dịch vụ Zvezda và Zarya FGB, cùng hai module nghiên cứu Poisk và Rassvet. Nauka là đóng góp mới đầu tiên của Nga cho ISS kể từ năm 2010.
Đoàn Dương (Theo Space)