Khi Croatia cần một anh hùng lãnh đạo họ trở lại vòng chung kết World Cup, Luka Modric đã ở đó. Khi Real Madrid muốn mở ra một kỷ nguyên vàng son mới, để sánh ngang với kỳ tích năm lần liên tiếp vô địch Cúp C1 của những Alfredo di Stefano, Ferenc Puskas, Paco Gento..., Modric cũng ở đó. Khi thế giới bóng đá bước vào kỷ nguyên mạng xã hội, nơi người ta chỉ thích bàn về những ngôi sao thu hút truyền thông, khi những giải thưởng chỉ tôn vinh các cầu thủ ghi bàn, Modric đã xuất hiện.
Không ồn ào và hào nhoáng, người đàn ông nhỏ bé ấy đã thực sự làm được những điều vĩ đại: cùng Real giành bốn chức vô địch Champions League trong năm mùa gần nhất, lãnh đạo quốc gia bé nhỏ Croatia lần đầu vào chung kết World Cup - giải đấu anh được bình chọn là cầu thủ hay nhất. Và chừng ấy là đủ để khiến cho người ta phải đặt anh lên trên Cristiano Ronaldo và Lionel Messi trong những cuộc bình chọn. Sự bất công mà người ta từng bàn với Wesley Sneijder năm 2009, Xavi năm 2010 hay Manuel Neuer năm 2014 đã không lặp lại. Bởi vì Modric khác biệt với tất cả những cái tên kể trên. Thể hiện của Modric có thể khiến cho bất kỳ ai bỏ phiếu phải suy nghĩ: nếu không ghi tên anh ấy, đấy sẽ là một tội ác.
Modric thực sự rất khác biệt, dù phải tốn một thời gian nhất định để mọi người nhận ra điều đó. Giữa một thế giới bóng đá mà ai cũng có vẻ vội vã, Modric lại rất thong dong. Anh chơi bóng, chứ không đá bóng. Modric chẳng phải mẫu thiên tài như Diego Maradona hay Zinedine Zidane, sinh ra để làm những điều không tưởng. Nhưng khi Modric tung ra một đường chuyền, người ta sẽ vỗ đùi đánh đét: “Đúng rồi. Nếu là mình thì cũng sẽ làm thế”. Nghĩa là, Modric làm một điều thoạt nhìn rất đơn giản với người xem, nhưng cực phức tạp với người chơi: đưa ra phương án tối ưu nhất.
Khi Modric lừa bóng, thường đấy là giải pháp duy nhất. Khi anh chuyền đi, quả bóng thường sẽ đến với địa chỉ tốt nhất có thể. Sau tất cả, chỉ có Modric... chơi được theo cách của Modric. Khi pressing lên ngôi, bóp nghẹt mọi khoảng trống trên sân, Modric vẫn có khả năng mở ra những khoảng trống, với một đường chuyền, một pha xoay người, hoặc một tình huống dốc bóng lên trên.
Ở Real, anh đá như một tiền vệ kiến thiết lùi sâu. Nhưng anh chẳng có những đường chuyền dài vượt tuyến mở ra cơ hội như Andrea Pirlo. Luận về cầm nhịp, anh không so nổi với Xavi. Dâng lên sút xa, anh chỉ là học trò của Paul Scholes. Nhưng trong lúc thua Pirlo, Xavi, Scholes ở những đặc sản, anh lại hơn đứt họ ở sự toàn diện trên cái trục dọc ấy. Và anh cũng lặng thầm nhất trong tất cả, không thẻ đỏ, không tự truyện, không phát ngôn ồn ã. Cũng như Vô danh lão tăng trong bộ truyện Thiên Long Bát Bộ, đã học tất cả những tuyệt kỹ trong Tàng kinh các, nhưng hàng ngày vẫn... quét lá đa.
Jorge Valdano, trong một bài viết về Modric ở World Cup, đã kết luận: “Đấy là cách ta chơi đá bóng, và là cách ta cảm về bóng đá”. Modric ở mọi nơi trên sân, anh muốn tham gia vào mọi đường bóng, anh chạy rất nhiều và khi anh chạy, đồng đội chạy cùng anh, thế trận vận hành theo anh.
Modric giành The Best, đó là hỷ sự của bóng đá. Vì bóng đá sau bao nhiêu năm chỉ tôn vinh kẻ ghi bàn, nay đã dành sự thừa nhận xứng đáng dành cho người nhạc trưởng. Hơn sáu năm đá cho Real, số bàn Modric ghi tại La Liga chưa đếm hết số ngón trên hai bàn tay. Nhưng anh là một thủ lĩnh thực sự, một đội trưởng không cần băng thủ quân. Hò hét và cãi nhau, đấy là chuyện của Sergio Ramos. Còn những khi Real bế tắc, các cầu thủ trong đội đều có chung một phản xạ là nhìn xem Modric đang ở đâu. Và thường là anh luôn xuất hiện, đưa hai bàn tay ra phía trước theo kiểu: “Chuyền quả bóng đây”.
Sergio Ramos nói: “Modric là người hiếm hoi khiến tôi cảm thấy tự hào vì được chung đội. Một người bạn tuyệt vời và một cầu thủ tuyệt vời. Nếu người ta trao giải cho Modric, tôi sẽ thấy vui như chính mình được giải vậy. Có thể sẽ có nhiều cầu thủ marketing giỏi hơn, tên tuổi lớn hơn, nhưng Modric xứng đáng được tôn vinh”.
Modric không hiền lành như vẻ ngoài nhút nhát của anh. Làm sao chúng ta quên được cách anh bật lại truyền thông nước Anh vì dám coi thường Croatia của anh? Quốc gia ấy chối bỏ anh, gọi là là “đống phân nhỏ” vì quan hệ của anh với vị quan chức bóng đá tham nhũng Zdravko Mamic, nhưng anh chưa bao giờ từ bỏ Croatia. Anh chiến đấu vì đất nước mình.
Chúng ta đã nghe câu truyện đầy cảm hứng của một cậu bé chăn dê lớn lên nơi triền núi Velebit, đã chứng kiến cái chết của ông mình, đã phải tị nạn chiến tranh suốt thời thơ ấu... Chúng ta cũng nghe những giai thoại về cậu bé gầy gò, ôm quả bóng bước ra khỏi khói bụi của đạn bom, với ống bịt chân từ làm từ gỗ vì nhà quá nghèo.
Trong con người bé nhỏ của Modric là một nội lực hùng hậu, được tạo nên bởi khói lửa chiến tranh và sự chối bỏ. Suốt thời niên thiếu, anh bị chê là quá gầy gò để đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Ở tuổi 21, anh bị Arsene Wenger và Barcelona từ chối. Năm đầu tiên ở Madrid, anh bị nhật báo Marca bầu là tân binh tồi tệ nhất mùa. Cuộc đời của Modric là hành trình lầm lũi vươn lên để đập tan những định kiến.
Trước khi kỷ nguyên Ronaldo – Messi bắt đầu, Quả Bóng Vàng thuộc về Kaka, một cầu thủ hiền lành, đẹp trai đến mức không có anti-fan. Modric thì xấu trai và khắc khổ, nhưng cũng chẳng có anti-fan bởi anh chơi bóng đẹp quá. Phòng ngự mã thượng, tấn công hào hoa và tuyệt không có tiểu xảo. Modric được nhiều báo chí mệnh danh là “Johan Cruyff của vùng Balkan”, bởi những pha ngoặt bóng của anh cũng có tác dụng theo đổi đột ngột nhịp điệu trận đấu. Cuốn tự truyện của Cruyff có tên là “My Turn”, dịch ra là “Cú ngoặt bóng của tôi” hay “Đến lượt tôi” đều đúng cả. Modric, với The Best và tương lai không xa có thể là cả Quả Bóng Vàng, cũng tạo ra một bước ngoặt lớn trong bóng đá. Anh là người đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên tôn sùng những bàn thắng hoặc thói quen sùng bái những cá nhân có sức hút truyền thông.
Trong những video clip triệu view trên Youtube hay Facebook với những cái tên mỹ miều như “vẻ đẹp của bóng đá”, có thể bạn chẳng bao giờ thấy Modric ở đâu cả. Nhưng thử bỏ thời gian và xem Modric thi đấu, bạn sẽ thực sự biết thế nào là vẻ đẹp của bóng đá.
Hoài Thương