"Tính đến nay, hơn 250 triệu người trên toàn cầu đã được tiêm vaccine Covid-19 của Moderna. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy việc tiếp cận vaccine vẫn là thách thức tại nhiều nơi trên thế giới", giám đốc điều hành hãng dược Mỹ Moderna Stephane Bancel cho biết trong bức thư đăng trên trang web công ty hôm 8/10.
Một tỷ liều vaccine mà Moderna muốn chuyển thêm đến các nước thu nhập thấp nằm trong số 2-3 tỷ liều mà công ty dự kiến sản xuất được vào năm 2022. Hôm 7/10, Moderna công bố kế hoạch đầu tư trị giá 500 triệu USD để xây dựng nhà máy ở châu Phi, với mục tiêu sản xuất 500 triệu liều vaccine bằng công nghệ mRNA mỗi năm, bao gồm vaccine Covid-19.
Trước đó vào tháng 5, Moderna cũng cam kết cung cấp 500 triệu liều vaccine Covid-19 cho sáng kiến Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ quý IV năm nay đến hết năm 2022. "Chúng tôi cam kết tăng gấp đôi sản xuất và mở rộng nguồn cung hơn nữa, cho đến khi vaccine của chúng tôi không còn cần thiết ở các nước thu nhập thấp", Bancel cho hay.
Kế hoạch cung cấp vaccine của Moderna được đưa ra trong bối cảnh thế giới đã ghi nhận tổng cộng 237.931.330 ca nhiễm nCoV, bao gồm 4.855.341 trường hợp tử vong và 214.937.932 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, làn sóng lây nhiễm vì biến chủng Delta được cho là đang hạ nhiệt, khi số ca nhiễm trung bình 7 ngày qua giảm xuống dưới 100.000 lần đầu tiên kể từ hồi đầu tháng 8. Số ca tử vong hàng ngày vẫn cao, trung bình là 1.762 người tính đến ngày 7/10, nhưng đây là mức thấp nhất trong gần một tháng, theo dữ liệu tổng hợp từ Đại học Johns Hopkins và Bloomberg.
Tổng cộng hơn 45 triệu người Mỹ, tương đương khoảng 13% dân số, từng nhiễm virus và gần 732.000 người tử vong.
Hôm 20/9, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ dỡ hạn chế đi lại bằng đường hàng không với hành khách từ 33 quốc gia đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm qua bổ sung thêm thông tin rằng nước này sẽ chấp nhận hành khách tiêm các vaccine được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hoặc WHO phê duyệt.
Tình hình đại dịch ở châu Âu dường như đang trong tầm kiểm soát nhờ chiến dịch tiêm chủng Covid-19 thành công.
Italy sẽ cho phép các hộp đêm và địa điểm khiêu vũ tái mở cửa lần đầu tiên kể từ năm 2020. Quyết định này được nội các của Thủ tướng Mario Draghi thông qua trong cuộc họp hôm 6/10, với điều kiện các địa điểm phải hạn chế công suất hoạt động. Trong khi đó, các nhà hát và rạp chiếu phim sẽ được hoạt động hết công suất. Những quy định mới có hiệu lực từ ngày 11/10.
Giới chức Bồ Đào Nha hôm 8/10 thông báo nước này đã đạt mục tiêu tiêm chủng Covid-19 đầy đủ cho 85% dân số, đồng thời sẽ tiến hành tiêm liều tăng cường cho nhóm từ 65 tuổi trở lên.
Tại châu Á, các nước đang nỗ lực nối lại các tuyến đường quốc tế sau khi chiến dịch tiêm chủng cũng đạt tiến bộ đáng kể. Từ ngày 15/10, Singapore và Hàn Quốc sẽ triển khai kế hoạch đi lại giữa hai nước mà không cần cách ly đối với những người đã tiêm vaccine đầy đủ. Hàn Quốc là nước thứ ba đạt được thỏa thuận này với Singapore, sau Brunei và Đức. Giới chức Singapore cho biết họ đang làm việc với Mỹ để đạt thỏa thuận đi lại trước cuối năm nay.
Bộ Nội vụ Ấn Độ hôm 7/10 cho biết nước này cũng sẽ tái mở cửa cho du khách nước ngoài từ ngày 15/10, sau hơn một năm đóng cửa vì Covid-19. Tình hình dịch ở Ấn Độ đã giảm mạnh, còn khoảng 20.000 ca nhiễm và 200-300 ca tử vong mỗi ngày trong những tuần gần đây. Hơn 250 triệu người đã được tiêm hai mũi, tương đương khoảng 20% dân số.
Malaysia, quốc gia được đánh giá bứt phá về tiêm chủng, cũng cân nhắc mở cửa biên giới vào tháng 12, thời điểm dự kiến 90% dân số trưởng thành được tiêm đầy đủ vaccine Covid-19. Tính đến 2/10, 87,2% dân số trưởng thành Malaysia đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, Bloomberg, SCMP)