Khối u to nhanh theo thời gian, khiến mặt ông lệch hẳn sang bên trái, nuốt vướng kèm đau tức. Khi đến Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội) thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ông mắc u tuyến nước bọt. Khi lấy ra, khối u có kích cỡ 2x3cm, bên trong chứa nhiều dịch.
Hiện, ba ngày sau phẫu thuật, ông Thạch đã hồi phục, vết mổ khô, không có dịch. Ông đang chờ kết quả sinh thiết khối u tại hai bệnh viện để xác định u lành hay ác tính.
Ông kể bản thân hút thuốc lào từ khi mới 14 tuổi, đến nay đã 45 năm, ngày nhiều nhất hút 10 điếu.
Nằm cạnh phòng ông Thạch là anh Minh, 43 tuổi ở Hà Nội. Anh Minh từng hai lần phẫu thuật u tuyến nước bọt, 4 năm nay u tát phát, đè đẩy dây thần kinh, lệch mặt trái.
Anh Minh cũng nghiện thuốc lá 20 năm, mỗi ngày hút 10 điếu. Khối u tuyến nước bọt có kích cỡ khoảng 3x4cm, có chỉ định bóc, tuy nhiên bệnh nhân bị huyết áp cao nên chưa thể can thiệp.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, cho biết khối u tuyến nước bọt hầu hết là lành tính, hay gặp ở tuyến mang tai, chiếm 5-10% khối u vùng hàm mặt. U này hay gặp ở bệnh nhân nam 40-60 tuổi có tiền sử nghiện thuốc lá, thuốc lào. Tuy nhiên bệnh viện cũng từng tiếp nhận bệnh nhân nữ 64 tuổi nghiện thuốc lá mắc u này.
"U tuyến nước bọt phần lớn lành tính nhưng nếu để muộn có thể gây liệt mặt, chảy máu trên da, tê bì, ù tai, thậm chí tiến triển thành ung thư. Khi đó, sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ phải xạ trị, hóa trị", bác sĩ Thái nói.
Bác sĩ Thái cho biết khi bóc u tuyến nước bọt cần lưu ý, tránh chạm vào dây thần kinh có thể gây liệt mặt, chảy máu, đặc biệt nếu để sót u sẽ tái phát. Để tránh u tái phát, một số trường hợp phải cắt rộng bán phần khối mang tai.