Thông tin trên vừa được nêu trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money của Ngân hàng Nhà nước. Đây là dịch vụ dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Việc thí điểm nhằm mục tiêu góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa, biên giới và hải đảo.
Đến cuối tháng 9, tức sau gần 3 năm thí điểm dịch vụ tiền di động, ba ông lớn viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone) đã có 9,87 triệu người đăng ký, trong đó lượng tài khoản đang hoạt động khoảng 6,5 triệu.
Viettel là nhà mạng có tỷ lệ khách đăng ký và sử dụng Mobile Money cao nhất với khoảng 7,25 triệu người, trong đó gần 5,4 triệu khách ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa... Hiện tại, trên 6,1 triệu tài khoản Mobile Money của nhà mạng này đang hoạt động, tương ứng gần 85% lượng tài khoản đã đăng ký.
Ở chiều ngược lại, lượng tài khoản hoạt động của VNPT, MobiFone khá thấp. Đến cuối tháng 9, VNPT-Media chỉ còn gần 391.000 tài khoản hoạt động trong số hơn 2,1 triệu người đăng ký (tương ứng tỷ lệ khoảng 18,6%).
MobiFone triển khai Mobile Money từ tháng 6/2022, ghi nhận hơn 521.000 khách đăng ký và sử dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ tài khoản còn hoạt động chỉ 4,38%, tương đương khoảng 22.800 thuê bao.
Theo báo cáo, sau thời gian thí điểm Mobile Money đã đạt được các kết quả khả quan, góp phần vào thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, xa.
Tuy nhiên, dịch vụ này được triển khai thí điểm theo quy định tại Quyết định 316, chưa có hành lang pháp lý chính thức. Bởi vậy, các tổ chức triển khai rất thận trọng, phần nào ảnh hưởng đến các quyết định tăng ngân sách đầu tư để phát triển dịch vụ.
Sau ngày 31/12, ba nhà mạng sẽ tạm dừng dịch vụ nếu chưa có quy định pháp lý phù hợp. Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị nhà quản lý xây dựng, ban hành hành lang pháp lý chính thức với dịch vụ này.
Các nhà cung cấp cũng cho rằng quy định tổng giá trị giao dịch tối đa 10 triệu đồng mỗi tháng với một tài khoản chưa phù hợp thu nhập và hoạt động kinh doanh của người dân hiện nay. Đồng thời, nó cũng làm Mobile Money chưa thu hút được khách hàng. Các doanh nghiệp muốn tăng mức trần giao dịch lên trên 10 triệu đồng.
Điều kiện để khách hàng sử dụng Mobile Money cũng được đề xuất nới lỏng. Hiện nay, thuê bao phải kích hoạt và sử dụng trong 3 tháng liền kề mới được đăng ký dịch vụ trên. Điều này có thể khiến những thuê bao chuyển mạng giữ số, hòa mạng mới không thể dùng.
Anh Tú