Theo Nikkei Asia, Nhật Bản có rất ít tài nguyên thiên nhiên, nhưng là một trong những thị trường hứa hẹn nhất của ngành khai thác kim loại đô thị - thuật ngữ chỉ việc tách vàng và kim loại quý hiếm từ những bảng mạch điện tử bị bỏ đi.
Một nhà máy ở thành phố Hiratsuka, gần Yokohama, nhận được hàng đống bảng mạch và đồ trang sức mỗi ngày. Phế liệu được nấu chảy lấy vàng, sau đó được tạo hình thành thỏi hoặc viên dạng tròn. Mỗi năm, cơ sở khai thác do Tanaka Kikinzoku Kogyo điều hành xử lý khoảng 3.000 tấn linh kiện điện tử.
Akio Nagaoka, người đứng đầu cơ sở, cho biết: "Chúng tôi muốn mở rộng việc thu gom rác thải điện tử không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở khắp Đông Nam Á, nơi nhu cầu tái chế đồ điện tử ngày một lớn. Hiện tại, vàng vẫn được xem là kênh trú ẩn an toàn. Giá vàng tại Nhật Bản đã chạm mốc kỷ lục".
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nguồn cung vàng tái chế toàn cầu tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 923,7 tấn, vượt xa mức tăng trưởng khoảng 3% của ngành khai thác mỏ. Vàng tái chế hiện chiếm dưới 30% nguồn cung toàn cầu. WGC cho biết chỉ có khoảng 200.000 tấn vàng đã được khai thác trong suốt lịch sử.
Với sản lượng khai thác mỏ bị đình trệ, việc hướng đến mỏ vàng từ điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng cũ và các phế liệu khác đang trở nên quan trọng. Một số doanh nghiệp đang mở rộng năng lực thu gom và xử lý kim loại đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Công ty Mitsubishi Materials của Nhật Bản đặt mục tiêu có thể xử lý 240.000 tấn phế liệu mỗi năm vào cuối năm tài chính 2030, so với khoảng 160.000 tấn hiện nay.
Viện Thiết kế bền vững Nhật Bản ước tính có khoảng 5.300 tấn vàng tích lũy ở Nhật Bản, tương đương 10% trữ lượng toàn cầu. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, cứ 10.000 chiếc điện thoại có thể thu về khoảng 280 gram vàng. Việc khai thác vàng từ rác điện tử hiệu quả hơn 56 lần so với khai thác vàng từ tự nhiên. Chính phủ nước này đang gấp rút thúc đẩy việc tái chế vàng và các kim loại quý giá khác trong các bảng mạch của xe điện để tăng cường an ninh kinh tế.
Hồi tháng 8, Nhật Bản đồng ý thiết lập khuôn khổ chung với các nước trong khu vực Đông Nam Á về tái chế tài nguyên. Họ theo đuổi mục tiêu hợp tác quốc tế lớn hơn để đảm bảo nguồn cung rác điện tử. Hiện tại chỉ một số ít quốc gia khai thác hiệu quả nguồn vàng này. Mặt khác, Nhật Bản cũng hạn chế xuất khẩu rác điện tử. Các sửa đổi của Công ước Basel có hiệu lực vào năm 2025 sẽ mở rộng với việc hạn chế vận chuyển bảng mạch đã qua sử dụng.
Khương Nha (theo Nikkei Asia)