Bệnh nhi mắc tim bẩm sinh với tên gọi tứ chứng Fallot, bao gồm 4 đặc điểm là thông liên thất lớn, tắc nghẽn đường ra thất phải, hẹp van xung động, phì đại thất phải và động mạch chủ đè lên. Triệu chứng gồm tím, khó thở khi ăn, tăng trưởng kém, đặc biệt cơn tím xảy ra đột ngột, có thể gây tử vong bất cứ lúc nào.
Sáng 7/8, bệnh nhi được tiến sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Nhi và giáo sư Yasuhiro Kotani, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Okayama – người chuyển giao kỹ thuật này cho Việt Nam, phẫu thuật. Sau gần 6 giờ đồng hồ, ca mổ tim nhi ít xâm lấn thứ 700 tại Việt Nam hoàn thành.
Quay trở lại Việt Nam sau 5 năm chuyển giao kỹ thuật, giáo sư Kotani bất ngờ trước thành quả mà các bác sĩ Việt Nam đạt được với 700 ca phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách, tỷ lệ 100% thành công, không có trẻ biến chứng nặng và tử vong. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 1,5 tháng tuổi, và trẻ nhẹ cân nhất được áp dụng thành công kỹ thuật này là 3,8 kg.
"Tôi đi nhiều nơi trên thế giới nhưng không có nhiều bệnh viện phẫu thuật tim qua đường nách. 700 là con số lớn và tôi rất ngưỡng mộ kết quả của các bác sĩ tại đây", ông Kotani nói.
Trước kia, tất cả bệnh nhi mắc bệnh lý tim bẩm sinh, đều chỉ có một đường mổ duy nhất là đường rạch giữa ngực, cưa xương ức, để lại vết sẹo thành ngực lớn và thời gian hậu phẫu dài, trẻ phải chịu đau đớn sau mổ. Năm 2018, giáo sư Kotani trực tiếp đến Việt Nam chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách phải cho các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Nhi.
"Đường mổ mới và kỹ thuật mổ đặc biệt khiến chúng tôi vô cùng thích thú khi nhận chuyển giao. Mổ qua đường nách bên phải cho chúng tôi một cách nhìn hoàn toàn khác so với đường mổ giữa", bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường nói.
Song, nếu không thể sửa chữa tất cả tổn thương của bệnh nhi như đường mổ giữa, thì việc mổ qua đường nách sẽ thất bại. Bởi vậy, không phải trường hợp nào các bác sĩ cũng chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp này. Các bệnh lý tim bẩm sinh được mổ đường nách gồm thông liên thất, thông liên nhĩ, bệnh lý hẹp van động mạch phổi hoặc hẹp trên van động mạch phổi, và một số các bất thường khác như u nhầy nhĩ trái, màng ngăn nhĩ trái.
Để giảm thiểu tối đa tổn thương cho bệnh nhi, các bác sĩ đã có những thay đổi kỹ thuật. Như trước đây, đường mổ ở nách dài khoảng 6 cm thì hiện ê kíp thu gọn đường mổ chỉ còn 4 cm. Các bác sĩ cũng rút ngắn thời gian hồi sức, thở máy, bệnh nhi giảm đau sau mổ tốt hơn.
Dị tật tim bẩm sinh là những bất thường về cấu trúc của tim và mạch máu ở trẻ ngay từ khi sinh ra. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 1.000 trẻ sinh ra có 8 em bị tim bẩm sinh. Nhiều trẻ tổn thương tim không phức tạp, được khám sàng lọc và phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì cơ hội khỏi bệnh, sống khỏe rất cao.
Lê Nga