Đây là cuộc khai quật chữa cháy để cứu di sản. Không chỉ có một phần phân bố trong khu vực dự án đường 10, khu mộ táng còn bị đe dọa từng ngày bởi dân đào trộm.
Trưởng đoàn khảo cổ, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm vui vẻ tâm sự: "Có nhiều chuyện vui, ly kỳ lắm. Đi điều tra (để tìm thông tin hoặc những di vật bị dân đào trộm), phải biến thành dân buôn đồ cổ là chuyện thường... Nhưng thực ra, dân buôn, dân chơi đồ cổ họ thính và sành vô cùng. Họ nắm trong tay cả sơ đồ, nơi nào thường có cái gì; chưa nói đến chuyện dân ấy thuộc lịch sử làu làu và có cả một đường dây để làm ăn. Đã nhiều cổ vật quốc gia không bao giờ đến được tay các nhà khảo cổ".
Kết quả cuộc "chữa cháy"
Như thông tin đã đưa, khu mộ Thủy Sơn trong đợt khai quật lần này gồm 3 mộ, được chôn sâu so với mặt đường đi hiện tại 1,8-2,2 mét. Những cành, cây sú vẹt lẫn trong tầng sét biển là dấu vết đầu tiên mách bảo về một vùng duyên hải xa xưa. Đa số các mộ được đặt theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Theo địa hình thực tế, phía đông nam có núi Đầu Voi, tây bắc là sông Hòn Ngọc, điều này mang đậm nét tín ngưỡng "gối sơn đạp thủy" của người Việt cổ.
Mộ thứ nhất và thứ ba, quan tài dài 2,35 mét, rộng 0,4-0,5 mét. Mộ thứ hai dài 2,6 mét, rộng 0,45 mét. Quan tài được làm từ một phần thân cây gỗ bổ đôi, khoét vũm lòng, hai đầu chừa hai đoạn làm vách ngăn đầu, đuôi. Cách chế tác này tạo cho quan tài dáng vẻ như một con thuyền độc mộc. Đặc trưng của mộ thuyền vùng duyên hải còn thể hiện rõ nét trên những chiếc tay khiêng xung quanh quan tài và bộ phận liên kết giữa hai tấm Thiên và tấm Địa là một đường mộng khớp chạy viền quanh mép với đinh chốt, nẹp tre dùng để buộc dây (thả quan tài xuống huyệt), cách mai táng thích hợp với vùng sình lầy, sũng nước.
Quan tài mộ thứ nhất đặc trưng hơn cả: tấm Thiên tròn úp trên tấm Địa được đẽo
![]() |
Chiếc nồi gốm còn nguyên vẹn bên cạnh những mũi lao đồng. |
Theo Tiến sĩ Liêm, đây có thể là một khu mộ của cư dân văn hóa Đông Sơn với mật độ mộ táng khá lớn (3 ngôi/100 m2). Những di vật đã phát hiện có thể giúp ta hiểu thêm nhiều về kinh tế vật chất và văn hóa tinh thần của người Việt cổ: họ là cư dân nông nghiệp lúa nước ruộng sâu (mảnh gặt) và chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản. Họ cũng giỏi về thủy chiến (thông qua những mũi giáo, lao, tên) và biết làm đẹp (khuyên tai).
Một chiếc nôi của văn hóa Đông Sơn
Văn hóa Đông Sơn là một trong những nền văn hóa phát triển rực rỡ nhất của thời đại kim khí Việt Nam ở miền Bắc lãnh thổ. Theo tư liệu của PGS - TS Phạm Minh Huyền công bố năm 1986, khu vực châu thổ Bắc Bộ là nơi phát hiện được nhiều di tích Đông Sơn nhất: Quảng Ninh 4 di tích, Hải Phòng 4, Hà Nội 15, Hà Tây 52, Thái Bình 3, Nam Định - Hà Nam 23, Thanh Hóa 74...
Trong số đó, huyện Thủy Nguyên nói riêng và Hải Phòng nói chung là khu vực phát hiện được nhiều khu mộ thuyền văn hóa Đông Sơn. Năm 1961 tại thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, Thủy Nguyên, phát hiện được mộ thuyền đầu tiên - mộ thuyền Việt Khê. Năm 1988, phát hiện được mộ thuyền Trại Sơn (thôn Việt Tiến, xã An Sơn) và mộ thuyền Trung Hà (thôn Hà Tê, xã Trung Hà). Mộ thuyền Quyết Tiến được phát hiện ở huyện Tiên Lãng vào năm 1997. Mộ Thủy Sơn, theo nhận định, có thể có niên đại từ thế kỷ 4 đến 3 trước Công nguyên vì những hiện vật đã thuần của văn hóa Đông Sơn. "So với các mộ thuyền trước, đặc điểm nổi trội của khu mộ thuyền Thủy Sơn là cả 3 đều phát hiện đồ gốm, đặc biệt có một chiếc vẫn nguyên vẹn. Mà đồ gốm là hơi thở của văn hóa, là tiêu chí hàng đầu để các nhà khảo cổ học tiến hành nghiên cứu", Tiến sĩ Bùi Văn Liêm nói.
Hiện tại, những di vật quý giá này đang thuộc quyền quản lý của Bảo tàng thành phố Hải Phòng, chúng sẽ được gửi đi làm xét nghiệm, phân tích thành phần, định lượng của các mẫu đồng và dùng phương pháp C14 để xác định niên đại.
Bài & ảnh: Diệu Trang