Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức trực tuyến tại Đồng Tháp với các nông dân trồng xoài, ngày 15/3.
Hiện xoài tươi Việt Nam đang xuất sang 22 nước chủ yếu là thị trường Trung Quốc, sản phẩm từ xoài xuất sang 53 nước. Năm 2021, gần 600.000 tấn xoài xuất sang các nước, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, sản lượng xuất khẩu sang Nhật Bản tăng gấp 3 lần từ 215 tấn năm 2020 lên 640 tấn năm ngoái, tương tự Hàn Quốc tăng 130% sản lượng,...
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết mất 5 năm đàm phán, Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu xoài cát chu của Việt Nam. Đầu năm 2022, nước này thông báo dừng nhập khẩu xoài do sự cố một doanh nghiệp xuất khẩu đóng gói nhầm xoài khác loại vào các lô xoài cát chu của Việt Nam trong khi quốc gia này chỉ nhập xoài cát chu trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Hương cho biết thêm, sau thời gian gián đoạn, hiện Nhật đã nhập khẩu trở lại nhưng thị trường này có thêm các yêu cầu như các vùng trồng phải có mã số do họ phê duyệt, cơ sở đóng gói không đóng hai thị trường cùng lúc,...
Ngoài ra, Nhật Bản kiểm soát rất chặt chẽ theo chuỗi từ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý (hơi nước nóng 47 độ trong 20 phút), kiểm tra, kiểm dịch trước khi xuất khẩu. "Thị trường khó tính như Nhật Bản xoài có thể xuất được thì các thị trường khác không thành vấn đề", bà Hương nói.
Hiện cả nước có 845 mã số vùng trồng xoài, diện tích 42.000 ha chiếm 31%. Riêng xoài cát chu xuất sang Nhật có 16 mã số vùng trồng được cấp, chủ yếu tại Đồng Tháp. Bên cạnh xuất khẩu Cục Bảo vệ thực vật cũng khuyến khích các tỉnh có chuỗi cửa hàng đặc sản ở các đô thị lớn để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận.
Ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho rằng việc đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường khó tính còn thúc đẩy quảng bá nông sản Việt. Từ đó hút khách du lịch các nước sang thưởng thức, mua về nhiều loại nông sản khác.
Ngọc Tài