Bà Đào Thị Thức hiện là chủ một cơ sở sản xuất bún, phở khô tại huyện Hoài Ân. Trước đây, các sản phẩm bún, phở khô của bà chủ yếu sản xuất thủ công, năng suất thấp, tốn thời gian, nhân công. Để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cơ sở của bà đầu tư dây chuyền sản xuất tự động. Nhờ đó, năng suất sản xuất tăng gấp đôi, thời gian, chi phí đều giảm đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng thời gian bảo quản. Năm 2023, cơ sở của bà đầu tư thêm dây chuyền đóng gói sản phẩm với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Trong đó Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương.
Cơ sở sản xuất tôn thép của ông Trung Tín (huyện Tây Sơn) cũng nhận khoản hỗ trợ tương tự để đầu tư máy móc, trị giá 800 triệu đồng. Theo ông Tín, có máy móc doanh nghiệp đa dạng mẫu mã, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh. "Ước tính chúng tôi sản xuất được trên 80.000 m tôn mỗi năm, lãi khoảng 144 triệu đồng. Chúng tôi sẽ̃ nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng và dự kiến trong 36 tháng sẽ thu hồi vốn đầu tư", ông Tín nói.
Các cơ sở của ông Tín hay bà Thức nằm trong số 16 doanh nghiệp nhận hỗ trợ để ứng dụng máy móc vào quá trình sản xuất công nghiệp. Năm 2023, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt hơn 2,8 tỷ đồng. Mỗi đơn vị nhận100-200 triệu đồng để trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất.
Ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, cho biết số tiền hỗ trợ nằm trong mục tiêu phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại còn hỗ trợ các cơ sở giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm, các gian hàng xúc tiến thương mại, kết nối thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Nhờ chương trình khuyến công, nhiều sản phẩm địa phương được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Theo ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương, bên cạnh chính sách hỗ trợ, để sản phẩm, hàng hóa công nghiệp nông thôn vươn xa trên thị trường, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản lý, xây dựng chiến lược kinh doanh, makerting hiệu quả. Sở khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn để chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường, đem lại giá trị kinh tế cao.
Theo lãnh đạo Sở, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chủ động đổi mới thiết kế, sáng tạo mẫu mã, diện mạo giúp sản phẩm dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng. Doanh nghiệp được ưu tiên xét hỗ trợ về xúc tiến thương mại, đăng ký bình chọn các thương hiệu, tư vấn chính sách hỗ trợ trong các chương trình khuyến công, tham gia các hội chợ, triễn lãm,...
Ông Nguyễn Đình Kha khẳng định việc các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nỗ lực đổi mới quy trình sản xuất, năng cao chất lượng góp phần giúp đưa công nghiệp nông thôn Bình Định ghi ấn với những sản phẩm tốt, đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.
Hoài Phương