Mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp xã phường đã được thí điểm tại 10 quận huyện và 20 xã phường của Hà Nội, TP HCM. Kết quả sau một năm, hơn 7.000 cơ sở bị kiểm tra, xử lý vi phạm gần 3.000 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 5 tỷ đồng, tăng so hàng năm.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm cấp xã, phường diễn ra tại Hà Nội ngày 10/3, ông Lê Bá Anh, Phó cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, số tiền xử phạt tuy lớn nhưng chia bình quân mỗi cơ sở chỉ bị phạt tối đa 3-5 triệu đồng. Điều đó cho thấy chủ yếu là lỗi vi phạm đơn giản, chủ yếu là giấy tờ, điều kiện sản xuất kinh doanh. Những hành vi vi phạm về chất phụ gia, chất cấm thì mức xử phạt cao hơn nhiều.
Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng thừa nhận, việc thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc như thiếu nhân lực, không có cán bộ chuyên trách hay cán bộ chuyên môn về an toàn thực phẩm, nghiệp vụ thanh tra còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều người được giao nhiệm vụ nhưng còn tâm lý sợ sai, ngại va chạm, không dám làm; nhất là cán bộ ở cấp xã phường còn tâm lý nể nang họ hàng làng xóm…
Tại TP HCM, chính quyền địa phương giao phó toàn bộ hoạt động thanh kiểm tra này cho phòng y tế quận huyện, trạm y tế xã phường nên hiệu quả không cao.
Bộ Y tế đề xuất Chính phủ tiếp tục mở rộng và kéo dài thời gian thí điểm. Theo đó, Hà Nội và TP HCM sẽ mở rộng thí điểm ra tất cả quận/huyện/thị xã, xã/phường/thị trấn trong một năm. 6 tỉnh thành khác gồm: Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Gia Lai cũng đề nghị được thí điểm.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, lần thí điểm này sẽ mở rộng đối tượng, nội dung thanh kiểm tra, không chỉ dịch vụ ăn uống mà cả thực phẩm chức năng. Với thức ăn đường phố không chỉ kiểm tra giấy phép mà cả nguồn gốc thực phẩm, thậm chí cả giấy tờ thuốc thú y, hóa chất bảo vệ thực vật.
Phương Trang