Người gửi: vo van thang
Hiện nay ở Hà Nội và TP HCM, nạn ùn tắc đang tăng nhanh chóng. Có thể nói đây là những việc cần làm ngay. Theo thống kê hàng năm, cả hai TP lớn này đã mất hàng nghìn tỷ đồng vì nạn tắc đường. Nạn tắc đường không những mất hàng nghìn tỷ đồng mà còn gây nên bệnh tật vì khí thải, gây chết người do cấp cứu không kịp, gây mất đoàn kết và hiểu nhầm vì không đến kịp hẹn. Còn tôi thì suýt nữa là vợ đẻ trên xe ôtô. Thực sự tắc đường có thể gọi quốc nạn vì nó ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của người dân.
Để giải quyết vấn đề ùn tắc, theo tôi phải làm quyết liệt và làm từ ngọn nguồn, chứ mình không thể làm theo kiểu tắc đâu thì thông đó. Ví dụ, nếu tắc đoạn Trường Chinh thì công an hướng cho các phương tiện đi sang đường Tôn Thất Tùng, để ra chùa Bộc. Và như vậy chùa Bộc lại tắc. Hiện nay các con đường ở Hà Nội đều bị tắc nghẽn, chỉ có điều là tắc nghẽn ở mức độ khác nhau mà thôi.
Theo tôi hướng giải quyết vẫn là phải làm thêm đường, làm to đường ra, và phân luồng cho hợp lý, thì mới giải quyết được. Với 80 triệu dân nhưng chúng ta mới có khoảng 1 triệu xe ôtô, vậy thì làm sao mà phát triển được. Các doanh nghiệp khi làm ăn với đối tác chẳng lẽ đi đón đối tác bằng xe máy? Cho nên dù giá xe có đắt họ vẫn phải chịu đựng mà mua. Nếu một hai năm nữa số lượng xe ôtô là 2-3 triệu xe, thì đi thế nào được. Với lòng đường Hà Nội hẹp như hiện nay, cứ 2 ôtô tránh nhau là hết đường.
Vậy phải giải quyết lòng đường cho rộng ra. Nhưng đất làm đường đã hết, và vỉa hè cũng không thể hẹp hơn được nữa. Chỉ có thể lấy thêm đất của dân hai bên đường để làm đường. Nhưng lấy đất thì phải đền bù, mà đền bù thì quá lớn. Tôi được biết đoạn đường Kim Liên - Xã Đàn đã phải hoãn đi hoãn lại cũng vì đền bù quá lớn, và người ta còn ví nó là đoạn đường đắt nhất hành tinh.
Chúng ta có thể làm đường mà không tốn nhiều chi phí đền bù giải toả, đó có thể gọi là "mỡ nó rán nó" như sau:
- Kế hoạch làm đường 20 m thì ta lấy đất là 80 m, dành 20 m đường chính, 40 m xây nhà ở hai bên đường, và 20 m làm hai con đường nội bộ phía trong dãy nhà tiếp giáp với nhà dân.
- Hai dãy nhà hai bên, trước tiên sẽ dùng để tái định cư tại chỗ cho những nhà dân bị giải toả. Tầng 1 dành cho những nhà dân có đất mặt tiền, thứ tự tầng 2, tầng 3 cho những nhà có đất tiếp theo. Những tầng còn lại sẽ bán lấy tiền cho chi phí xây dựng và chi phí giải tỏa.
Như vậy nhà nước sẽ có đất để làm đường mà không mất tiền đền bù. Còn người dân thì yên tâm đầu tư kinh doanh mà không phải lo, không dám đầu tư vì đang nằm trong phạm vi giải toả. Cũng như không phải sống trong những ngôi nhà chật hẹp, xuống cấp, vì không được cấp phép xây dựng. Ví dụ đoạn đường Trường Chinh, mang tiếng là nhà mặt phố nhưng bao nhiêu năm nay không được phép xây dựng. Cho nên trông bề mặt con phố này thậy kinh khủng, và cũng không có ai dám kinh doanh những mặt hàng nào khác sắt thép và vật liệu xây dựng.
Một khi nhà nước cho các công ty thầu xây dựng các tòa nhà hai bên đường thì vỉa hè đương nhiên sẽ thẳng, đẹp và khó bị lấn chiếm như hiện nay. Các toà nhà được thống nhất màu sơn, chiều cao, kiểu dáng, và như thế thì đường phố thật là đẹp.
Giải phóng mặt bằng sâu vào hai bên đường, để làm nhà tái định cư tại chỗ, như thế thì người dân lâu nay đang sống quen sẽ không phải đi nơi khác, và họ sẽ sẵn sàng để cho nhà nước giải tỏa. Tôi lấy ví dụ: đang ở phố Khâm Thiên, sau khi giải tỏa phải chuyển sang khu tái định cư là Đầm Trấu chắng hạn, thì thử hỏi người dân làm sao muốn đi. Nhưng nếu sau giải tỏa mà vẫn được ở lại phố Khâm Thiên và đường sá đẹp, không bị tắc đường thì chắc là không có lý do gì để chống đối cả.
Mặt khác, lâu nay có hiện tượng giàu lên nhờ đường đi vào đúng nhà của nhà mình, thật là mơ cũng không thể tin được mình giàu lên nhanh đến như thế. Một người dân ở đường Kim Liên - Xã Đàn kể lại rằng: mảnh đất này trước kia là ruộng rau muống nhưng nay đường đi vào đúng đầu ruộng, thế là anh ta xây nhà 4 tầng mặt tiền 200 m, cho thuê tầng 1, 2 là 40 triệu đồng một tháng. Còn cả nhà ở tầng 3, 4. Hàng tháng thu 40 triệu đồng mà chả phải làm gì, cứ ăn rồi đi lang thang uống bia.
Thật không thể tin được có nhiều nhà trước đây phải bỏ rất nhiều tiền mua nhà mặt đường để kinh doanh buôn bán. Nay lại phải chuyển đi đến một nơi khác, chẳng biêt làm gì để sống. Còn một số hộ thì tiền nhiều quá không biết làm gì để tiêu, trong lúc nhà nước phải đền bù một số tiền quá lớn.