Vệ tinh của ESA ghi lại hình ảnh của những quặng khoáng sản trên sa mạc Atacama. Video: ESA.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chia sẻ ảnh chụp một phần sa mạc Atacama ở Chile từ vệ tinh Sentinel-2 trong dự án Copernicus. Giáp Thái Bình Dương ở phía tây và dãy Andes ở phía đông, Atacama được xem như sa mạc khô cằn nhất thế giới với một số khu vực chưa từng ghi nhận lượng mưa. Bức ảnh được chụp vào ngày 26/6/2019 ở khu vực đặc biệt thuộc vùng Tarapacá phía bắc Chile, nơi có những quặng caliche (muối nitrat kết rắn lại trong các trầm tích) lớn nhất thế giới. Tại đây, người dân địa phương đang khai thác khoáng sản như nitrate, lithium, potassium, và iodine.
Iodine được tách từ quá trình lọc quặng (heap leaching), sử dụng rộng rãi trong khai thác quặng quy mô lớn ngày nay. Trong ảnh, những đống vật liệu tách lọc có hình chữ nhật với nhiều tông màu khác nhau, một số có màu sắc sáng hơn hoặc tối hơn do thành phần nước hoặc mật độ đất đá.
Các khối hình học ở góc bên phải là những ao bay hơi lớn. Nước mặn được bơm thông qua mạng lưới giếng vào ao nước nông. Thời tiết khô cằn và nhiều gió làm tăng tốc độ bay hơi của nước, để lại muối lắng đọng giúp thợ mỏ tách lọc lithium, dùng trong sản xuất pin. Màu xanh ngọc rực rỡ của ao bay hơi tương phản rõ rệt với khung cảnh sa mạc, khiến chúng càng dễ nhận biết khi nhìn từ không gian. Những đường màu đen rõ rệt trong ảnh là con đường nối với nhiều công trường.
Dự án Copernicus với cặp vệ tinh Sentinel-2 là chương trình quan sát Trái Đất của Liên minh châu Âu. Bức ảnh dùng màu giả được xử lý bằng cách lựa chọn những dải quang phổ sử dụng trong phân loại đặc điểm địa chất.
An Khang (Theo Sci Tech Daily)