Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang làm việc với các đối tác từ châu Âu, Nhật Bản và Canada để phát triển một trạm vũ trụ quay quanh Mặt Trăng mang tên Lunar Gateway. Dự án là một phần quan trọng trong chương trình Artemis, nhằm đưa con người quay trở lại Mặt Trăng sau năm 2024.
Trạm Lunar Gateway sẽ đóng vai trò như một phòng thí nghiệm quỹ đạo, trung tâm thông tin liên lạc, cũng như bến đỗ cho các tàu vũ trụ và thiết bị đổ bộ Mặt Trăng.
Cơ sở này sẽ bao gồm hai module chính: module cung cấp năng lượng và lực đẩy (PPE) và module cung cấp không gian nghiên cứu và cư trú (HALO). Chúng sẽ được phóng lên quỹ đạo Mặt Trăng sớm nhất vào tháng 5/2024 và muộn nhất vào tháng 10/2024 bằng tên lửa phóng hạng nặng Falcon Heavy của SpaceX.
Khi bắt đầu đi vào hoạt động, trạm Lunar Gateway có thể chứa bốn phi hành gia, nhưng số lượng có thể tăng lên theo thời gian khi cơ sở này bổ sung thêm các module. Module thứ 3 và 4 theo kế hoạch sẽ lần lượt được phóng lên vào năm 2024 và 2026.
Module thứ 3 mang tên ESPRIT do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chế tạo sẽ cung cấp thêm năng lượng và cải thiện khả năng liên lạc trên trạm. Trong khi đó, module thứ 4 mang tên I-HAB do ESA và Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phát triển sẽ cung cấp thêm không gian sống và nghiên cứu cho các phi hành gia.
NASA ban đầu có kế hoạch hợp tác với cả Nga và Trung Quốc, nhưng hai quốc gia này muốn làm việc theo cách riêng. Họ có thể sẽ xây dựng các trạm vũ trụ khác trên quỹ đạo hoặc căn cứ trên bề mặt của Mặt Trăng. Nga mới đây cũng cho biết họ đang xem xét rút khỏi dự án Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từ năm 2025 do lo ngại về sự an toàn của cơ sở này.
Đoàn Dương (Theo NASA)