Mùa xuân năm nay, NASA thông báo cơ quan này đang phát triển hai nhiệm vụ mới để khám phá sao Kim vào đầu thập niên 2030. Một nhiệm vụ mang tên VERITAS (Venus Emissivity, Radio Science, InSAR, Topography, and Spectroscopy) sẽ bay xung quanh và quan sát xuyên qua lớp mây dày của hành tinh. Nhiệm vụ còn lại gọi là DAVINCI (Deep Atmosphere Venus Investigation of Noble gases, Chemistry, and Imaging), sẽ tiến xa hơn một bước bằng cách để tàu thăm dò công nghệ cao rơi thẳng qua bầu khí quyển sao Kim.
Dự kiến phóng vào năm 2029, nhiệm vụ DAVINCI bao gồm hai phần. Đầu tiên, tàu vũ trụ chính sẽ bay hai vòng sát sao Kim để nghiên cứu khí quyển và mặt tối của hành tinh. Nghiên cứu khí quyển của tàu vũ trụ sẽ tập trung vào quan sát những đám mây thay đổi như thế nào theo thời gian và tìm cách nhận biết một chất hóa học bí ẩn chuyên hấp thụ tia cực tím. Trong khi đó, nghiên cứu mặt tối sẽ lập bản đồ bề mặt bằng ánh sáng hồng ngoại do đá giải phóng nhiệt lượng đã hấp thụ vào buổi đêm. Các nhà khoa học hy vọng dữ liệu sẽ giúp họ hiểu rõ hơn vùng cao nguyên kỳ lạ của sao Kim hình thành ra sao.
Bảy tháng sau hai chuyến bay, tàu thăm dò sẽ rơi qua những đám mây trong một giờ và truyền dữ liệu dọc đường. Trong khi tàu vũ trụ chính theo dõi, tàu thăm dò sẽ phát hiện thành phần cấu tạo, nhiệt độ, áp suất và sức gió ở mỗi lớp của khí quyển sao Kim. Thông qua tất cả dữ liệu, nhóm nghiên cứu NASA sẽ không chỉ hiểu rõ hơn về sao Kim ngày nay mà còn có thể xâu chuỗi lịch sử của nó như hành tinh này từng có nước hay không.
Sau khi đến gần bề mặt, tàu thăm dò sẽ chụp ảnh độ phân giải cao của khu vực mang tên Alpha Regio Tesserae. Bề mặt sao Kim chứa nhiều mảng tesserae, nơi đá liên tục bị vỡ và gập lại giống như quá trình xảy ra ở sâu bên trong vỏ Trái Đất. Tàu thăm dò sẽ giúp các nhà nghiên cứu hình dung trải nghiệm đứng trên bề mặt sao Kim.
Bầu khí quyển của Sao Kim đậm đặc hơn Trái Đất 100 lần, bao gồm 95% là khí CO2. Nhiệt độ bề mặt sao Kim cao hơn 470 độ C, đủ để làm tan chảy chì. Áp suất không khí bằng áp lực nước biển của Trái Đất ở độ sâu một kilomet. "Sao Kim có những đám mây axit thay vì mây hơi nước. Điều đáng sợ là bạn phải đi qua nó để chạm tới bề mặt hành tinh. Môi trường ở đây rất khắc nghiệt, giống địa ngục trên Trái Đất", Gustavo Costa, nhà khoa học Mỹ về hóa học và vật liệu mô tả trên Business Insider.
An Khang (Theo Space)