Trao đổi với VnExpress.net, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, tòa án đã đưa trát gửi phia Mỹ và 36 công ty hóa chất rải chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam, nhưng có lẽ họ không đến, toà sẽ xử vắng mặt.
Giáo sư Nhân cho biết, 8 luật sư nổi tiếng đến từ các nước Algeria, Chile, Nhật Bản, Mỹ và Romania tham dự. Chánh án là ông Jitendra Sharma, luật sư thuộc Tòa án Tối cao Ấn Độ, Chủ tịch Hội Luật gia quốc tế.
![]() |
Hai trong ba số nạn nhân sẽ tham dự phiên tòa chiều nay. Ảnh: Xuân Tùng |
Nguyên đơn là các nạn nhân Việt Nam, bên bị kiện là các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất diệt cỏ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tham dự phiên tòa còn có các đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản và New Zealand.
Đoàn Việt Nam có 3 nạn nhân chất độc da cam/dioxin và 3 nhà khoa học trong các lĩnh vực y tế, hóa học và môi trường, do ông Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) dẫn đầu, đã có mặt tại Pháp từ ngày 14/5.
Sự kiện này được tổ chức trong 2 ngày 15 và 16/5, theo sáng kiến của Hội luật gia dân chủ quốc tế, phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, như tổ chức Quyền Bình đẳng, Hội hữu nghị Pháp - Việt, Hiệp hội nhân quyền quốc tế, Hội các cựu chiến binh Cộng hòa Pháp, Collectif Vietnam Dioxine, Ủy ban làng hữu nghị Vân Canh và Phong trào vì Hòa bình.
Trước đó, biết tin các nạn nhân chất độc da cam sắp sang Pháp khởi kiện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư đến Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế tin tưởng, Tòa án đưa ra được những kết luận buộc phía Hoa Kỳ phải có trách nhiệm trong việc giải quyết hậu quả nặng nề và kéo dài do cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ gây ra ở Việt nam.
Cũng trong sáng cùng ngày, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam đã ra lời kêu gọi và khẳng định, luôn ủng hộ vụ kiện dân sự tập thể của Hội Nạn nhân chất độc da cam và tin tưởng Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế sẽ xem xét và rút ra những kết luận về hậu quả của chất độc da cam/dioxin.
Hiện Việt Nam có khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Một số mốc chính trong vụ kiện chất độc da cam - 30/1/2004, bên nguyên trình đơn kiện đầu tiên lên tòa án Liên bang Mỹ. - 30/9/2005 nguyên đơn nộp đơn kiện lên Tòa phúc thẩm Mỹ. - 22/2/2008: Tòa phúc thẩm nhất trí với kết luận của Tòa sơ thẩm, bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. - 6/10/2008 nguyên đơn tiếp tục nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ. - 2/3/2009 tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn Việt Nam. |
Xuân Tùng