Tiến sĩ Austin Gallagher cho biết, trong 15 năm qua ông và cộng sự đã quan sát hơn 200 vụ mòng biển (seagull) tấn công mắt loài hải cẩu lông nâu tại vườn quốc gia ven biển Dorob, Namibia, với tỉ lệ thành công lên tới 50%.
"Một con hải cẩu mù không thể tìm thức ăn, không thể tìm mẹ," Gallagher nói. Con hải cẩu non sẽ bị chết đói, và mòng biển quay lại để ăn xác nó. Thậm chí trong nhiều vụ, khi một con mòng biển moi mắt hải cẩu ra, những con khác lao vào, tấn công con hải cẩu con vào bụng, bộ phận sinh dục, biến nó thành bữa ăn ngon lành.
Hành vi tấn công này chưa từng được ghi nhận trước đó, Gallagher cho biết. Ông là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đại học Carleton, Canada, công bố nghiên cứu trên tạp chí Khoa học biển châu Phi hôm 14/8.
"Đó là một cách sinh tồn tàn nhẫn," Gallagher nhận xét. Nhưng nhìn từ góc độ mòng biển, đó là một "chiến thuật tấn công tuyệt vời." Mòng biển là loài thông minh, chúng quan sát một con khác săn mồi, phát hiện làm chột mắt con mồi là cách đi săn hiệu quả và học theo.
Ông cho rằng, hành vi tấn công này là kết quả của quá trình gia tăng số lượng quần thể hải cẩu, khiến loài chim học cách mới, tận dụng nguồn thức ăn dồi dào. Số lượng hải cẩu từ khoảng 100 con năm 1998, đã bùng nổ và tăng lên 80 nghìn con trong những năm gần đây ở vườn quốc gia Namibia.
Hồng Hạnh