Bệnh nhân bị viêm màng bồ đào lâu năm nhưng không được điều trị kịp thời, dẫn đến hai biến chứng nghiêm trọng, gồm đục thủy tinh thể 5 - độ nặng nhất và dính bít lỗ đồng tử. Bà tìm đến một số bệnh viện tại TP HCM, bác sĩ đánh giá tình trạng phức tạp, khuyên không nên phẫu thuật vì tỷ lệ thành công thấp.
Ngày 24/11, bác sĩ Nguyễn Phú Tùng, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn Ngô Gia Tự, cho biết bệnh nhân chỉ còn nhận thức được sáng tối và không thể nhìn rõ được cảnh vật xung quanh. Tình trạng dính bít lỗ đồng tử khiến bệnh nhân tăng nhãn áp, gây đau nhức mắt và đau đầu liên tục, nếu không điều trị kịp thời sẽ mù lòa vĩnh viễn.
Nhận định ca bệnh khó nhưng vẫn còn khả năng điều trị, bác sĩ Tùng cho bệnh nhân dùng thuốc để kiểm soát tình trạng viêm màng bồ đào và tăng nhãn áp, giúp bệnh ổn định trước khi phẫu thuật, đồng thời trấn an tâm lý người bệnh. Ê kíp họp lên phương án mổ, chuẩn bị trang thiết bị dụng cụ chuyên dùng giải phóng lỗ đồng tử, máy móc chuyên dụng để phẫu thuật phaco thay thủy tinh thể.
Sau mổ, thị lực bệnh nhân từ bóng bàn tay (không thể đếm đúng ngón tay bác sĩ đưa ra, nhận biết có vật cử động khi khua bàn tay trước mắt) đã đạt 7/10, không còn viêm bít đồng tử, dễ dàng sinh hoạt, tự đi lại.
"Hai lần bay từ Mỹ về Việt Nam rất xứng đáng, bác sĩ chuyên môn cao, không thua gì nước ngoài mà chi phí rất hợp lý", bệnh nhân nói.
Theo bác sĩ Tùng, viêm màng bồ đào là bệnh mắt khá phổ biến toàn cầu, thường gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ 4 trên toàn thế giới. Bệnh thường không được phát hiện hoặc chẩn đoán sai cho đến khi phát triển các biến chứng nặng.
Bệnh dễ bị nhầm lẫn với đau mắt đỏ do có những triệu chứng tương tự như đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt và nhìn mờ. Tuy nhiên, viêm màng bồ đào cũng có một số điểm đặc trưng riêng như vùng rìa lòng đen bị đỏ (còn gọi cương tụ rìa), đau nhức mắt, có thể kèm theo tăng nhãn áp, không lây lan thành dịch như đau mắt đỏ.
Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm ở mắt, đáng lo nhất là dính đồng tử hoặc bít đồng tử. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị đục thủy tinh thể, thậm chí teo nhãn cầu... nguy cơ mù rất lớn.
Viêm màng bồ đào có thể do nhiễm vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, lậu cầu, trực khuẩn mủ xanh), virus (herpes), nấm (candida) hay ký sinh trùng; nhiễm độc từ thức ăn, hóa chất; do bệnh tự miễn (trong cơ thể có kháng thể chống màng bồ đào) hoặc do chấn thương, thứ phát từ các bệnh lý toàn thân như lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa cơ, xơ cứng bì toàn thể, bệnh da liễu...
Điều trị viêm màng bồ đào sẽ phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh và mức độ của bệnh. Giai đoạn sớm, bệnh có thể điều trị bằng thuốc uống, nhỏ mắt, tiêm. Một số trường hợp diễn biến bệnh xấu hơn hoặc viêm nhiễm nặng, tái đi tái lại làm ảnh hưởng thị lực, sử dụng thuốc không có hiệu quả, bác sĩ sẽ can thiệp phẫu thuật.
Bệnh viêm màng bồ đào nếu do tự miễn không phòng ngừa được. Bệnh do nhiễm ký sinh trùng có thể phòng ngừa bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn, chỉ ăn chín, uống sôi, tránh ăn các món gỏi để hạn chế nhiễm ấu trùng giun, sán.
Không rửa mặt bằng nguồn nước ô nhiễm, bảo vệ mắt bằng kính khi tiếp xúc với môi trường khói bụi, tránh xa khói thuốc lá, hóa chất độc hại... Tránh để mắt bị chấn thương, đụng dập, đeo kính bảo hộ mắt khi chơi các môn thể thao có nguy cơ va đập mạnh (bóng đá, tennis, cầu lông) hoặc khi làm trong môi trường công việc có nguy cơ chấn thương mắt cao như cắt sắt, hàn xì, cắt cỏ bằng máy, cắt đá.
Khi có các dấu hiệu bất thường ở mắt, bệnh nhân nên đến các cơ sở nhãn khoa để thăm khám, để càng lâu thì quá trình điều trị càng phức tạp và hậu quả nặng nề cho mắt. Nếu phát hiện bị viêm màng bồ đào, người bệnh cần kiên trì điều trị.
Lê Phương