Bé trai một ngày tuổi, ở Thái Bình, là con thứ hai trong gia đình. Mẹ bé lo lắng những biến chứng của vết mổ đẻ cũ nên quyết định sinh mổ chủ động khi thai nhi được 37 tuần. Sau sinh, trẻ được hỗ trợ thở CPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi). Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp tiến triển, trẻ được đặt nội khí quản chuyển đến Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Điều trị tích cực sơ sinh đã hỗ trợ thở máy cho trẻ. Đồng thời, bệnh nhi được bơm thuốc vào phổi để hỗ trợ hô hấp, kết hợp với thuốc vận mạch, trợ tim liên tục. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng của bé dần cải thiện và ổn định.
Một bé trai sơ sinh khác ở Nam Định cũng nhập viện sau khi mẹ đẻ mổ chủ động tại bệnh viện địa phương ở tuần thai thứ 36. Người phụ nữ phải nằm theo dõi thai kỳ trong một tuần, gia đình lo lắng và mong muốn sinh mổ khi chưa có cơn chuyển dạ.
Sau sinh, trẻ bị suy hô hấp, tăng áp phổi nặng, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tím tái, SpO2 (oxy trong máu) 50%, suy tuần hoàn. Bệnh nhi được thở máy tần số cao, duy trì thuốc trợ tim, vận mạch, thuốc giãn mạch phổi, song tình trạng không cải thiện, tử vong sau 3 ngày.
Ngày 15/11, ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Loan, khoa Điều trị tích cực sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, cho biết sinh con qua đường âm đạo là phương pháp tốt nhất cho mẹ và thai. Mổ lấy thai chỉ nên thực hiện trong trường hợp không cho phép đẻ đường âm đạo. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng mổ đẻ khi chưa có chuyển dạ (mổ đẻ chủ động) do chọn ngày giờ sinh đẹp trở nên phổ biến.
Tỷ lệ mổ lấy thai ở nhiều nước trên thế giới cũng tăng nhanh trong vòng 20 năm trở lại đây, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ mổ lấy thai vẫn cao, khoảng 39,1%. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con số này chỉ nên 5-10% nhằm tránh các tai biến cho mẹ và con.
Trẻ được sinh ra do mổ đẻ chủ động có thể bị suy hô hấp với nhiều mức độ từ khó thở thoáng qua đến suy hô hấp nặng cần thở máy, thậm chí phải cần đến ECMO (tim phổi nhân tạo). Một số trường hợp nặng có thể tử vong. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mổ lấy thai chủ động khi không có chuyển dạ khiến nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ cao gấp 2,6 lần so với mổ đẻ có chuyển dạ và cao gấp 1,9 lần so với đẻ thường.
Trong thời kỳ bào thai, phổi bị dịch lấp đầy nên quá trình trao đổi khí phụ thuộc vào bánh rau. Khi bánh rau ngừng hoạt động chức năng, phổi phải đảm nhiệm vai trò này. Trong cuộc đẻ thường, tử cung liên tục co làm ảnh hưởng quá trình trao đổi khí của bánh rau, gây tình trạng giảm oxy của thai nhi, do đó phế nang phải được thông khí và máu qua phổi được tăng cường.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển dạ kích thích tăng sản xuất adrenalin của thai nhi và tăng giải phóng hormone thyrotropin của bà mẹ, là bước chuẩn bị để phổi bắt đầu thực hiện chức năng hô hấp. Ở trẻ đẻ mổ chủ động không có quá trình này, dẫn đến phổi trẻ khi sinh ra chứa nhiều dịch hơn, dễ bị mắc các vấn đề hô hấp sau sinh.
Để tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra do mổ đẻ chủ động, bố mẹ không nên lựa chọn phương thức đẻ này khi không có chỉ định mổ đẻ bắt buộc.
Lê Nga