Gần 30 năm trong ngành sản phụ khoa, lần đầu tiên, Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê (khoa Phụ sản Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội) gặp một ca "tam tai" hy hữu như vậy.
"Đây là trường hợp quá đặc biệt khi gặp cùng lúc 3 biến chứng nguy hiểm của thai kỳ. Tôi từng học tại Pháp và tham dự nhiều hội thảo quốc tế về sản khoa nhưng chưa nghe về trường hợp tương tự", bác sĩ Hiền Lê chia sẻ.

Hình ảnh dây nhau xoắn thắt nút qua siêu âm. Ảnh: Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.
Theo y văn, song thai một buồng ối một bánh nhau rất hiếm gặp, 20.000-35.000 ca mang thai mới gặp một trường hợp, nhau tiền đạo xảy ra ở không quá 1% thai phụ, nhau cài răng lược cũng rất hiếm (3.000 thai phụ mới gặp một trường hợp). Thế nhưng, chị Thúy (sinh năm 1986 ở Long Biên, Hà Nội) và cặp song thai đã không may hội cả 3 yếu tố này: song thai một buồng ối một bánh nhau, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược và thêm tình trạng dây nhau xoắn thắt nút.
Thai kỳ phức tạp ấy khiến hành trình thai nghén của chị Thúy thường xuyên rơi vào tình trạng nguy hiểm. Niềm hạnh phúc mang song thai chưa được bao lâu, chị đối mặt với lo âu từ tuần thai thứ 8, khi bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê phát hiện tình trạng song thai chung một buồng ối một bánh nhau. Diễn biến này có thể gây nguy hiểm cho tính mạng 2 thai nhi, có nguy cơ tử vong trong bụng mẹ vì những biến chứng do thiếu, thừa lượng nước ối không kiểm soát.
Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định kẹp cắt một dây rốn để cứu lấy một thai nhi. Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc phát hiện và điều trị bệnh lý thai nhi ở buồng tử cung, cùng máy siêu âm hiện đại có thể đánh giá chính xác tình trạng của song thai, bác sĩ Hiền Lê quyết định tiếp tục theo dõi sát sao thai kỳ với mong muốn giữ được cả 2 em bé. Tuy nhiên, thai phụ sẽ phải khám thai theo lịch đặc biệt và thực hiện đầy đủ các chỉ định khác của bác sĩ.

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội vừa cấp cứu thành công ca song thai hiếm gặp.
Ở tuần thai thứ 14, kết quả siêu âm cho thấy song thai gặp thêm tình trạng dây rốn xoắn quấn nhiều vòng, nguy cơ tử vong cho thai nhi trên 50%, tính mạng cả 2 thai nhi bị đe dọa từng giờ. Thêm một lý do để bác sĩ nghĩ tới cuộc mổ can thiệp cứu lấy một trong 2 em bé vào thời điểm tuần 18-19, khi không gian trong bụng mẹ đủ rộng để tiến hành các thao tác mà không gây nguy hiểm cho một thai được giữ lại. Mức độ báo động đã tăng lên gấp đôi khi các bác sĩ phải theo dõi sát sao hơn và bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng mổ để cứu một trong 2 bé, tránh nguy hiểm cho cả người mẹ.
"Đến tuần thứ 18-19, một lần nữa chúng tôi ngỡ ngàng khi siêu âm phát hiện nhau tiền đạo, nhau cài răng lược. Lúc này, phương án mổ nội soi kẹp dây rốn để cứu một thai bị loại bỏ vì sẽ vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong cả mẹ lẫn con. Thay vào đó, chúng tôi phải giữ cả 2 thai và lập phác đồ theo dõi thai phụ thường xuyên, chuẩn bị sẵn mọi điều kiện về máu, phương án mổ... để có thể xử lý ngay lập tức nếu tình trạng xấu đi", giọng hồi hộp, Thạc sĩ Đinh Thị Hiền Lê kể lại.
Ngày 27/6/2019, ở tuổi thai 31 tuần, chị Thúy nhập viện cấp cứu vì bị ra máu. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho cuộc mổ đặc biệt này, nên ngay lập tức thai phụ được chỉ định mổ bắt con. Mặc dù đã "biết và hiểu" rất rõ về tình trạng của 3 mẹ con, thuộc từng nút thắt dây rốn, biết rõ từng mạch máu trên bánh nhau, tuy nhiên, các bác sĩ không khỏi lo lắng vì đây là lần đầu thực hiện ca mổ bắt con phức tạp như vậy. Tiên lượng ca bệnh rất xấu, nguy cơ tử vong mẹ rất cao, nếu mẹ mất máu nặng và con bị ngạt hoặc biến chứng khác.
Ca "đại phẫu thuật" diễn ra trong sự căng thẳng và cẩn trọng. Tiếng khóc của 2 bé trai hòa trong tiếng khóc, tiếng cười của người mẹ và toàn bộ êkip bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh. "Nếu không có các bác sĩ, gia đình tôi không thể nào chạm vào niềm hạnh phúc to lớn như thế này", người nhà sản phụ nói trong nước mắt khi nhận tin ca mổ đã thành công.

Hai bé trai chào đời với cân nặng 1,5kg và 1,6kg, khỏe mạnh, lành lặn và đang được chăm sóc ở Khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê cho biết, năng lực, kinh nghiệm, việc nâng cao chuyên môn các kỹ thuật khám, chữa bệnh mới, cùng trang thiết bị máy móc hiện đại đã giúp bác sĩ có thể phát hiện sớm, chính xác và điều trị thành công các bệnh từ đơn giản đến phức tạp. Điều này cho thấy trình độ của các bác sĩ Việt Nam có thể ngang hàng với khu vực và thế giới, giúp người bệnh yên tâm khám, chữa bệnh trong nước mà không phải tốn thời gian và tiền của đi nước ngoài như trước đây.
Bác sĩ khuyến cáo các sản phụ cần thường xuyên khám thai tại bệnh viện uy tín, đặc biệt trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ để phát hiện sớm các bất thường về hình thái học cũng như những biến chứng nguy hiểm như nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, có biện pháp điều trị kịp thời và tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra trong quá trình sinh sản. Những tiến bộ của y học hiện nay có thể xử lý thành công nhiều bệnh lý nguy hiểm của thai nhi, quan trọng là thai phụ cần được khám đúng thời điểm, đúng chuyên gia và đúng thiết bị máy móc hiện đại.
Thời gian qua, Bệnh viện Tâm Anh cũng đã làm chủ những kỹ thuật mới và khó như phẫu thuật nội soi điều trị truyền máu song thai và các bệnh lý thai nhi trong buồng tử cung, phẫu thuật vi phẫu trong chấn thương chỉnh hình, ghép nối dây thần kinh, chuyển vạt tự do, ghép nối chi thể đứt lìa; điều trị vô sinh lâu năm, dự trữ buồng trứng thấp, có bệnh nhân có bệnh lý kèm theo...
Hoài Nhơn
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi